Việt Nam-New Zealand: 45 năm không ngừng củng cố và phát triển

LTS. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-New Zealand (19/6/1975-19/6/2020), Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Tạ Văn Thông đã có bài viết riêng dành cho TG&VN về sự phát triển của quan hệ hai nước. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Tạ Văn Thông trình Quốc thư lên bà Patsy Reddy, Toàn quyền New Zealand tháng 6/2018. (Nguồn: ĐSQ)

Ngay sau khi giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam và New Zealand đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 19/6/1975. Trong suốt 45 năm qua kể từ khi thành lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong khuôn khổ Đối tác toàn diện hiện nay và hướng tới Đối tác chiến lược sắp tới.

Những chuyến đi vượt khoảng cách

New Zealand là một nước nằm ở tận cùng của thế giới (“Bottom of the World”), dân số chưa đầy 5 triệu trong khi Việt Nam gần 100 triệu dân. Hai nước cách xa như vậy, văn hóa không giống nhau, vậy thì tại sao lại tiến tới được khuôn khổ Đối tác toàn diện và sắp tới là Đối tác chiến lược?

Năm 1995, cách đây đúng 25 năm, tôi may mắn có chuyến công tác đến đất nước xa xôi này, phải nói là xa thật. Tôi ra khỏi cửa lúc 4h sáng để đi sân bay Nội Bài và phải tới 21h tối ngày hôm sau (tức là gần 2 ngày) mới check-in được tại một khách sạn tại Queenstown.

Tuy nhiên vượt qua khoảng cách về địa lý, lãnh đạo và nhân dân hai nước đã không ngừng phấn đấu để đưa quan hệ giữa hai dân tộc ngày càng gần gũi hơn. Ngay từ rất sớm năm 1993 khi Việt Nam vẫn còn bị Mỹ và phương Tây bao vây cấm vận, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi thăm chính thức New Zealand. Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu chính phủ nước CHXHCN Việt Nam tới đất nước New Zealand xa xôi.

Chuyến đi đã trở thành một đột phá trong quan hệ giữa hai nước, giúp người dân New Zealand hiểu rõ hơn về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã chiến thắng các đế quốc sừng sỏ như Mỹ, Pháp trở thành biểu tượng của các dân tộc bị áp bức và phong trào giải phóng dân tộc. Rất nhiều bạn bè trong Hội Hữu nghị Việt Nam vẫn còn nhắc đến chuyến đi này. Các thành viên trong Hội Hữu nghị New Zealand vẫn kể lại cho tôi hồi đó chưa có sứ quán Việt Nam, người dân không biết nhiều đến Việt Nam, thậm chí Quốc hội vẫn treo cờ ba sọc khi có những sự kiện ngoại giao.

Các Thủ tướng của bạn đều đã từng đến Việt Nam. Thủ tướng Helen Clark có nói với tôi là bà đã đến Việt Nam tất cả 7 lần. Gặp bà tại một hội nghị ngành ngoại giao của bạn, tôi có tìm cách tiếp cận và có ý xin gặp riêng bà. Bà nói ngay rất tự nhiên như hai người bạn: “Sao không đi ăn tối, mà ăn cơm Việt Nam ý”.

Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đến thăm chính thức New Zealand từ rất sớm, năm 1995. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đi thăm chính thức 2009. Trong chuyến thăm này, hai nước ký Tuyên bố thiết lập Đối tác toàn diện. Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đều đi thăm chính thức New Zealand nhiều lần. Gần đây nhất là chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 3/2018, nhân dịp này hai nước đã ra tuyên bố chung thống nhất đưa quan hệ hướng tới Đối tác chiến lược.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm New Zealand, tháng 3/2018. (Nguồn: TTXVN)

Là nước từng gửi quân đến Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng các nhà phân tích cho rằng chiến tranh Việt Nam đã trở thành một bài học sâu sắc dẫn đến những bước ngoặt thay đổi trong chính sách đối ngoại của New Zealand, trở nên độc lập hơn. Có lẽ đây cũng là điểm mà các nhà lãnh đạo và nhân dân New Zealand cảm thấy gần gũi với dân tộc Việt Nam, mong muốn và nỗ lực thúc đẩy tình hữu nghị và quan hệ giữa hai nước.

Hai nền kinh tế bổ trợ lẫn nhau

Trong nhiều năm qua, New Zealand là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam về thương mại. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009 và tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) năm 2010, quan hệ kinh tế hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo số liệu của Cục Thống kê New Zealand, kim ngạch thương mại song phương (cả hàng hóa và dịch vụ) năm 2019 đạt 2,04 tỷ NZD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của New Zealand. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang New Zealand gồm: máy móc, thiết bị điện; giày, dép; hàng dệt, may; đồ nội thất. Ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của New Zealand sang Việt Nam gồm: bơ sữa; trái cây; gỗ và sản phẩm gỗ; chế phẩm thực phẩm. Việt Nam và New Zealand là hai nền kinh tế tương đối có tính bổ trợ lẫn nhau.

Là nước phát triển, đồng thời có lợi thế về nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, hàng không, chống biến đổi khí hậu, chính phủ điện tử… New Zealand đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ Việt Nam ở các lĩnh vực mà nước này có thế mạnh. Viện nghiên cứu Cây trồng và Lương thực New Zealand đã tiến hành một số hoạt động như hỗ trợ tỉnh Bình Định tăng năng suất trồng rau an toàn, hợp tác với Tỉnh Tiền Giang phát triển giống thanh long mới, hỗ trợ tỉnh Đắc Nông tăng năng suất và chất lượng trái bơ tươi và bơ chế biến.

Ngoài ra, Bộ Các ngành công nghiệp cơ bản New Zealand cũng đang hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với mục tiêu giúp các phòng thí nghiệm tại Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nhằm đạt được chứng chỉ ISO 17025 về xét nghiệm sâu bệnh.

Về lĩnh vực chính phủ điện tử, New Zealand đang hỗ trợ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam thông qua Dự án cấp giấy chứng nhận điện tử (E-Cert) ASEAN nhằm mục tiêu giúp các nước ASEAN xây dựng hệ thống trao đổi dữ liệu cấp phép kiểm dịch động thực vật, từ đó giảm thiểu các hành vi gian lận và rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. New Zealand cũng hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực khác như giáo dục, chống thiên tai…

Với lợi thế cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do như AANZFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và trong tương lai là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hai bên có thể tận dụng các lợi thế của nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối các chuỗi cung ứng trong các hiệp định FTA cũng như xuất khẩu sang các thị trường khác.

Tham khảo Chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – New Zealand lần thứ 11, tháng 3/2019.

Trên cơ sở đó, ta cần tiếp tục đề nghị New Zealand tiếp tục mở cửa thị trường đối với nông, thủy sản của Việt Nam, trước mắt ưu tiên các sản phẩm như chanh ta, chanh leo, vú sữa, bưởi, nhãn; để thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung phát triển các chuỗi giá trị về nông nghiệp, phát triển công nghệ chế biến, bảo quản thực phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, chú trọng thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm; ta cũng cần vận động New Zealand tiếp tục hỗ trợ các địa phương của Việt Nam phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đối với các mặt hàng trái cây xuất khẩu, hạt tiêu, cà phê, hạt điều...; phát triển các hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, chế biến nông nghiệp, thủy sản; nâng cao năng lực trong các lĩnh vực như nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

Hiện nay các doanh nghiệp New Zealand đang hướng tới Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung hàng hóa thay thế. Doanh nghiệp New Zealand đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thường outsource (thuê ngoài) việc sản xuất hàng hóa. New Zealand có dung lượng thị trường nhỏ nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Do vậy, nếu có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của New Zealand, doanh nghiệp Việt Nam sẽ xây dựng được uy tín và thương hiệu khi xuất khẩu sang các thị trường khác.

Dự kiến trong năm nay sẽ diễn ra Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại Việt Nam-New Zealand. Đây là cơ một cơ chế quan trọng để hai bên trao đổi tìm ra các biện pháp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại trong các lĩnh vực tiềm năng như thuơng mại, dịch vụ hàng không, du lịch, giáo dục- đào tạo và đề nghị Việt Nam tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp New Zealand trong lĩnh vực giáo dục, du lịch, tạo thuận lợi cho hợp tác an toàn thực phẩm giữa hai nước.

Kết nối bằng những nhịp cầu

Giao lưu nhân dân, đặc biệt là hợp tác về giáo dục, du lịch, trao đổi văn hóa, cũng là những ưu tiên trong thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Du học sinh Việt Nam đã đến New Zealand từ rất sớm. Có những người khi miền Nam giải phóng đã sang học ở New Zealand rồi ở lại, hiện họ vẫn là những người góp phần hun đúc qua hệ giữa nhân dân hai nước.

New Zealand tiếp tục cung cấp 30 học bổng thạc sĩ, tiến sĩ cho Việt Nam hàng năm. Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu giáo dục hàng đầu của New Zealand. Chính phủ bạn tiếp tục khẳng định coi trong hợp tác về giáo dục với Việt Nam. Hiện có khoảng hơn 3.000 lưu học sinh Việt Nam theo học tại New Zealand và có đến hơn 80% theo dạng tự túc. Các trường đại học New Zealand rất có uy tín. New Zealand có 8 trường đại học đều đứng trong top 2% trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Mới tuần vừa rồi, New Zealand đã tuyên bố đất nước không còn dịch Covid-19, cuộc sống người dân đã trở lại bình thường, không còn giãn cách xã hội, tất cả các trường học đều mở cửa trở lại. Tuy nhiên trong thời gian phong tỏa xã hội, khi có tin là chính phủ các nước yêu cầu sinh viên không còn đủ điều kiện sinh sống, học tập tại nước sở tại thì nên về nước. Điều này làm sinh viên Việt Nam hoang mang, lo sợ. Sứ quán đã ngay lập tức họp với đại diện Bộ Giáo dục của bạn và được bạn cam kết tiếp tục coi Việt Nam là thị trường ưu tiên, sẽ hỗ trợ cho sinh viên Việt Nam gặp hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Lễ kỷ niệm chương trình Đào tạo tiếng Anh cho cán bộ Việt Nam ELTO 50.

Chương trình Đào tạo tiếng Anh cho quan chức Chính phủ (ELTO) là một trong những ví dụ đậm nét về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đào tạo. Liên tục từ năm 1991 tới nay, hàng năm có tới khoảng 20-30 cán bộ của Việt Nam sang học tiếng Anh theo chương trình ELTO được chính phủ bạn tài trợ.

Khóa học kéo dài 6 tháng với chương trình rất hiệu quả đã giúp cho khoảng 1.000 cán bộ các bộ ngành Việt Nam nâng cao tiếng Anh phục vụ cho quá trình hội nhập của đất nước. Trong số đó có nhiều cán bộ cấp cao các ngành như các cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin, Nguyễn Tâm Chiến, Nguyễn Phú Bình, Vũ Hồng Nam, Đại sứ Trần Hải Hậu - Đại sứ đầu tiên của ta tại New Zealand...

Thú vị hơn nữa, có những cán bộ là vợ chồng, cha con cũng lần lượt được đào tạo qua chương trình ELTO, tạo ra một mạng lưới cán bộ Việt Nam gắn kết với New Zealand mà mọi người thường đùa là “kiwi mafia” tại Việt Nam.

Một lĩnh vực giàu tiềm năng hợp tác giữa hai nước là du lịch. Việt Nam đã trở thành địa điểm quen thuộc, yêu thích của người dân New Zealand. Đi đâu khi gặp bạn bè New Zealand họ cũng nói, tôi đã đi Việt Nam hoặc tôi chưa được đi nhưng con tôi, cháu tôi đã đi và tôi chắc chắn sẽ đi. Khi được hỏi, ai ai cũng ca ngợi Việt Nam vì phong cảnh thiên nhiên, tình người và ẩm thực Việt Nam.

Ngược lại, chỉ với 5 triệu dân, nhưng đất nước New Zealand của những “áng mây trắng”, thiên nhiên hùng vĩ bậc nhất là một địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới đón khoảng hơn 4 triệu khách hàng năm, tương đương với dân số của mình. Ngày càng có nhiều người Việt đến thăm đất nước mặt trời mọc sớm nhất thế giới này.

Cùng nỗ lực vì 2020 thành công

Đại sứ Tạ Văn Thông và các Đại sứ ASEAN tại ASEAN Day 2018. (Nguồn: ĐSQ)

Năm nay, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trùng với kỷ niệm 45 năm Quan hệ Đối thoại và 5 năm Đối tác Chiến lược ASEAN-New Zealand. Đặc biệt, đây cũng là năm đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và New Zealand.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Jacinda Ardern sẽ đi thăm chính thức Việt Nam và sau đó dự họp Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-New Zealand tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 bùng phát, chuyến đi và cuộc họp đã phải hoãn lại vào dịp cuối năm. Hiện hai bên vẫn đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho các sự kiện trên.

Dự kiến, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Jacinda Ardern, hai nước sẽ ra tuyên bố nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược và với Kế hoạch Hành động mới. Tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-New Zealand cuối năm, hai bên dự kiến sẽ thông qua Kế hoạch Hành động giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở quan hệ hữu nghị, tin cậy, hai nước đã và đang phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn đa phương khác như Liên hợp quốc, APEC, WTO, CPTPP, RCEP... Năm 2021, New Zealand sẽ là chủ tịch APEC và Việt Nam cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với New Zealand để đảm bảo thành công cho APEC 2021.

2020 là năm quan trọng đối với quan hệ hai nước Việt Nam và New Zealand. Nhưng đây cũng là một năm vô cùng khó khăn với hai nước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng trên hết, cả hai nước đều đã đạt được thành công vượt bậc trong việc ngăn chặn đại dịch được cả thế giới ghi nhận. Hy vọng hai dân tộc sẽ phát huy những thành công đã đạt được trong trận chiến đầy cam go tiếp tục song hành trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì lợi ích của hai dân tộc và vì hòa bình và ổn định trên thế giới.

Tạ Văn Thông

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-new-zealand-45-nam-khong-ngung-cung-co-va-phat-trien-117709.html