Việt Nam nghiên cứu thành công vắc xin cúm

Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) đã nghiên cứu thành công vắc xin cúm mùa và vắc xin cúm đại dịch A/H5N1. Đó là thông tin được đưa ra tại buổi Họp báo thường kỳ quý III/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra ngày 4/10, tại Hà Nội.

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, ngày 25/9, Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), PATH - một tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu, Cơ quan Nghiên cứu phát triển tiên tiến về y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Hoa Kỳ, đã công bố kết quả dự án nâng cao năng lực phát triển vắc xin cúm tại Việt Nam. Theo đó, IVAC đã nghiên cứu thành công vắc xin cúm mùa (với 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B) và vắc xin cúm đại dịch A/H5N1.

Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, sản xuất lâu dài của IVAC dưới sự hỗ trợ của ngân sách khoa học và công nghệ và sự tài trợ của quốc tế gồm: WHO, PATH, BARDA. Cụ thể, từ năm 2003 khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước tập trung trí tuệ và nguồn lực để nghiên cứu phát triển vắc xin cúm A/H5N1 phòng bệnh cho người.

Tiếp đó, năm 2005, đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 bằng công nghệ trên trứng gà có phôi" do Bộ Khoa học và Công nghệ giao Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chủ trì đã khởi động việc nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm ở Việt Nam.

Từ năm 2010 đến nay, BARDA đã tài trợ kinh phí thông qua tổ chức PATH hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ IVAC sản xuất vắc xin cúm đạt chuẩn WHO-GMP, thử nghiệm lâm sàng, nâng cao năng lực quản lý chất lượng, hoạt động cảnh giác dược.

Đặc biệt, từ năm 2014, trong khuôn khổ Chương trình sản phẩm quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế đã tiếp tục hỗ trợ Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm mùa ở quy mô công nghiệp”, đến nay nhiệm vụ đã nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc.

Hai loại vắc xin cúm A/H5N1(IVACFLU-A/H5N1) và vắc xin cúm mùa (IVACFLU-S) do IVAC sản xuất đã hoàn thành 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đúng quy định của Bộ Y tế, có sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức độc lập quốc tế; được các hội đồng đạo đức cơ sở và hội đồng đạo đức quốc gia nghiệm thu; Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm lâm sàng, đang hoàn thiện khâu đăng ký lưu hành để đưa sản phẩm ra phục vụ cộng đồng.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thông tin nhiều nhiệm vụ trọng tâm được Bộ triển khai trong quý III/2018. Đó là, tập trung xây dựng các chính sách, pháp luật phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; triển khai các công việc nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ các ngành kinh tế, phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị.

Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ hình thành và phát triển; chính sách hỗ trợ nhập khẩu công nghệ; các quy định cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý của Bộ; các quy định quản lý nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; các quy định về điều kiện tiến hành công việc bức xạ và điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử;…. Các cơ chế, chính sách, quy định này sẽ sớm được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với các bộ, ngành để đẩy mạnh triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng khung Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển và ứng dụng các công nghệ đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, …).

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/viet-nam-nghien-cuu-thanh-cong-vac-xin-cum-109787.html