Việt Nam nhập cát từ Campuchia: Tự lấy đá ghè chân?

Đề xuất nhập cát từ Campuchia chẳng khác gì tự lấy đà ghè chân và sẽ khuyến khích quốc gia này khai thác cát nhiều hơn trên sông MêKong.

Quyết định sai lầm

Bộ Xây dựng vừa có công văn đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ TNMT cho ý kiến về đề xuất nhập khẩu cát xây dựng nhằm giảm bớt áp lực cân đối cung cầu hiện nay.

Theo đó, thời gian gần đây, Bộ Xây dựng đã nhận được công văn của một số Công ty đề nghị hướng dẫn nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia về Việt Nam.

Xét thấy nhu cầu sử dụng cát xây dựng ở một số tỉnh Nam Bộ ngày càng tăng, trong khi nguồn cung ngày càng hạn chế, Bộ Xây dựng đánh giá, việc nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia về Việt Nam sẽ góp phần giảm bớt áp lực cân đối cung cầu cát xây dựng đối với các tỉnh Nam Bộ.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Hội Tưới tiêu Việt Nam, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) khẳng định bản thân không đồng ý với kế hoạch nhập khẩu cát của Bộ Xây dựng.

Ông Tứ cho rằng câu chuyện Việt Nam nhập khẩu cát từ Campuchia vào trong nước không khác gì kế hoạch mua điện của Lào để giải quyết tình trạng thiếu điện tại nhiều địa phương được đưa ra cách đây không lâu.

Chuyên gia không đồng tình với việc nhập cát từ Campuchia vào Việt Nam để cân đối nhu cầu trong nước

Theo ông Tứ, nếu chúng ta không cân nhắc thận trọng mà quyết định thực hiện ngay việc này thì không khác gì “tự lấy đá đập vào chân mình” cũng như để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

“Một trong những nguyên nhân làm sạt lở đất đai ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian gần đây được nhắc đến là vấn đề thiếu hụt cát. Thực tế này xuất phát từ việc xây đập trên thượng nguồn và khai thác cát tại chỗ.

Chúng ta mua cát của Campuchia là mua cát gì và cát ở đâu? Bây giờ nếu Việt Nam có nhu cầu mua cát thì họ sẽ tiếp tục khai thác cát trên sông Mê Kong để bán cho chúng ta.

Như vậy về cơ bản mâu thuẫn với những chính sách mà chúng ta đang kêu gọi bảo vệ sông Mê Kong và dòng chảy để không làm ảnh hưởng đến lượng phù sa đồng bằng sông Cửu Long”, ông Tứ nhấn mạnh.

GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cũng khẳng định, cá nhân ông không ủng hộ việc nhập khẩu cát từ Campuchia vào Việt Nam tại thời điểm này.

Theo ông Hồng, nhiều nước hiện nay không coi cát là vật liệu xây dựng và xếp vào dạng tài nguyên. Vì vậy để có thể mua bán và nhập khẩu cát từ Campuchia, chắc chắn Việt Nam phải làm theo con đường chính ngạch với các thỏa thuận, hợp đồng cụ thể.

“Tôi không đồng ý nhập khẩu cát. Nếu nhập khẩu thì nhà nước phải làm công hàm gửi sang Campuchia để mua cát. Cụ thể là Bộ TNMT của Việt Nam và phía Campichia phải gặp gỡ, trao đổi và ký kết với nhau. Việc này cũng không hề đơn giản.

Sau đó, Campuchia phải đi đo lại cát rồi mới tính toán việc bán. Còn nếu cát từ Campuchia chuyển sang Việt Nam hiện nay chỉ cát lậu thôi”, ông Hồng nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng có thể Bộ Xây dựng vì thấy tình hình cát trong nước cấp bách nên muốn nhập khẩu 1 lượng cát nhất định từ phía Campuchia về Việt Nam. Tuy nhiên khi Bộ này có đề xuất như vậy, Thủ tướng Chính phủ hay Bộ Kế hoạch – Đầu tư sẽ yêu cầu trình ra kế hoạch cụ thể hoặc công hàm đồng ý giữa 2 quốc gia.

“Cát của Việt Nam vẫn còn ở nhiều nơi. Vì vậy trước khi phải mua từ nước ngoài, chúng ta cần phải tự cân đối, sắp xếp nguồn cát trong nước”, ông Hồng nhấn mạnh.

Phải tìm nguồn vật liệu thay thế cát

Là người có nhiều năm gắn bó với thủy lợi, GS.TS Vũ Trọng Hồng đề nghị nhà nước cần phải yêu cầu các Bộ, ngành vào cuộc nắm lại nguồn cát đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho những đơn vị liên quan.

“Chúng ta mở Luật khai thác cát, Luật tài nguyên nước, Luật đê điều đều quy định, Bộ TNMT là chủ thể của việc khai thác cát này. Doanh nghiệp có được phép khai thác cát hay không là Bộ này ra lệnh.

Tuy nhiên trong Luật pháp hiện nay chỗ này lại không rõ. Luật chỉ nói các Bộ phải ngồi với nhau để bàn nên không Bộ nào vào cuộc một cách sốt sắng cả.

Theo tôi Bộ TNMT bắt buộc phải vào cuộc khảo sát, dùng kỹ thuật siêu âm để đo mực nước, đo lượng bùn cát trong cát và khối lượng cát trong nước.

Sau khi làm được bước này, Bộ TNMT cần công bố các bản đồ khai thác cát cho phép. Từ đó, Bộ xây dựng mới chỉ ra những bến, bãi mỏ nào được phép đưa cát về chứ không phải khai thác bừa bãi”, ông Hồng nêu quan điểm.

Trong khi đó, TS Đào Trọng Tứ cho rằng thay vì nghĩ đến việc nhập khẩu cát từ Campuchia, các cơ quan chức năng cần quản lý tốt tình trạng khai thác cát bừa bãi, tràn lan trên nhiều vị trí sông. Đặc biệt phải xử lý nghiêm các trường hợp tận thu cát xuất khẩu sang Singapore nhằm thu tiền chênh lệch.

“Vấn đề quan trọng tôi cho rằng, chúng ta phải tìm những nguyên vật liệu thay thế nguồn cát từ sông hồ. Nguồn cát mỏ hiện nay có nhiều ở khu vực phía Bắc nhưng chưa được khai thác triệt để.

Thông thường cát mỏ khai thác sẽ tốn kém và đắt hơn. Do cát không có sẵn, chưa được sạch nên phải mất công lọc. Do đó nhiều người say sưa khai thác cát ở dưới lòng sông vì nó rất sạch. Khi lấy lên là có thể bán được luôn và lãi suất cũng rất cao.

Tôi khẳng định lại, việc mua cát từ Campuchia để giảm sức ép và cân bằng cung cầu trong nước về cát là rất sai lầm”, TS Tứ nhấn mạnh.

Hà Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/viet-nam-nhap-cat-tu-campuchia-tu-lay-da-ghe-chan-3337463/