Việt Nam-Nhật Bản: Còn nhiều tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực

Với sự nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản được củng cố, mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu thực chất, có sự tin cậy cao về chính trị.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu trao “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Khoa học Xã hội Việt Nam” cho Giáo sư Furuta Motoo, Hiệu trưởng Đại học Việt Nhật. (Ảnh: JICA/Vietnam+)

Quan hệ Việt Nam- Nhật Bản hiện đang ở giai đoạn tốt đẹp hơn bao giờ hết, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển và nâng lên một tầm cao hơn nữa. Đây là nhận định chung được các chuyên gia, học giả hàng đầu Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ trong buổi Hội thảo quốc tế “50 năm quan hệ Việt Nam- Nhật Bản: Quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai” vừa được khai mạc sáng 14/9.

Hội thảo do Viện nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản và Đại học Senshu phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Tham dự hội thảo có đại diện của Bộ Ngoại giao, Ban đối ngoại Trung ương, Đại sứ quán Nhật Bản cùng các chuyên gia nghiên cứu, học giả Nhật Bản và Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhận định quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản qua 50 năm qua đã không ngừng được vun đắp, ngày càng gắn bó, khăng khít. Với sự nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ hai nước được củng cố, mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu thực chất, có sự tin cậy cao về chính trị.

Nhật Bản nhiều năm qua là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về kinh tế, đối tác cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, luôn nằm trong nhóm đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Những nền tảng này là động lực để hướng tới nâng tầm quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, thúc đẩy sự gắn kết giữa hai quốc gia ngày càng bền chặt, vì hòa bình, ồn đinh và phồn vinh trong khu vực và trên thế giới.

Ông Phan Chí Hiếu cũng nhấn mạnh Hội thảo có ý nghĩa thiết thực không chỉ kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, mà còn là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp chia sẻ, thảo luận, nghiên cứu thực tiễn quan hệ trên toàn diện các lĩnh vực chính trị, văn hóa, an ninh kinh tế, nhận diện thời cơ mới, góp phần tham mưu giải pháp thúc đẩy sâu sắc quan hệ hai nước.

Đánh giá tiềm năng phát triển của Việt Nam, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết Việt Nam là điểm đến ưa thích đầu tư ưa thích của doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp quốc tế nói chung và rằng Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Đại sứ Yamada khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là các đối tác bình đẳng cùng hướng tới tương lai, cùng vươn tầm thế giới, sự phát triển của Nhật Bản gắn kết với sự phát triển của Việt Nam. Ông Yamada cam kết Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xã hội trong những năm tới.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yamada Takio, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Phát biểu tại hội thảo, đại diện của JICA chia sẻ triển khai dự án “JICA CHAIR” hướng tới mục tiêu mở rộng cơ hội học hỏi, truyền bá kinh nghiệm và bài học từ quá trình hợp tác phát triển và hiện đại hóa của Nhật Bản với các nước đang phát triển. Dự án hướng đến đối tượng là các trường đại học hàng đầu tại các nước đang phát triển.

Trong khuôn khổ dự án “JICA CHAIR,” JICA cho biết đã hợp tác với các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trong một số hoạt động như xây dựng tài liệu giảng dạy về Nhật Bản và nghiên cứu về sự phát triển của quan hệ hai nước. Bên cạnh đó, JICA phái cử các nhà nghiên cứu nổi tiếng từ Nhật Bản tới tham dự hội thảo chuyên đề tại Việt Nam.

Đại diện của JICA kỳ vọng trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu về Nhật Bản tại Việt Nam, hướng đến tăng cường hơn nữa mối quan hệ khăng khít của hai quốc gia và sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Từng có nhiều năm công tác và tham gia đóng góp xây dựng, phát triển quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, ông Đào Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản giai đoạn 2011-2015 và ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản giai đoạn 2015-2018 cùng đánh giá rằng quan hệ hai nước trong những năm qua đã phát triển mạnh mẽ, thực chất trên nhiều lĩnh vực và có một số khía cạnh về thực chất đã vượt qua danh xưng “đối tác chiến lược sâu rộng”.

Chuối Việt Nam lần đầu có mặt tại thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Do đó, hai nguyên Đại sứ cho rằng quan hệ Việt Nam- Nhật Bản có nhiều điều kiện để tiếp tục phát triển sâu sắc, toàn diện và nâng cao hơn nữa tầm vóc trong giai đoạn mới.

Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận đều chung nhận định rằng hai nước có sự gần gũi giao thoa về văn hóa, lịch sử, có sự kết nối tự nhiên giữa hai quốc gia cùng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có mối quan hệ với nhau từ lâu đời, có một số lợi ích chiến lược trùng khớp ở mức độ cao, không tồn tại khác biệt lớn, sự tin tưởng lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Đây là cơ sở cho việc tăng cường quan hệ hợp tác hơn nữa giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Hội thảo quốc tế “50 năm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản: Quá khứ, Hiện tại và hướng tới Tương lai” diễn ra trong hai ngày 14-15/9. Các ý kiến thảo luận sẽ tập trung nhìn nhận quan hệ hai nước tập trung vào 5 lĩnh vực Chính trị-Ngoại giao, An ninh-Quốc phòng, Kinh tế, Văn hóa-Giáo dục và Lịch sử-Văn hóa.

Trong khuôn khổ hội thảo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khoa học xã hội Việt Nam” cho Giáo sư Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội vì những đóng góp của ông trong quá trình phát triển quan hệ hai nước./.

Minh Khôi-Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-namnhat-ban-con-nhieu-tiem-nang-hop-tac-tren-cac-linh-vuc/894350.vnp