Việt Nam: Nhiều nhân tố đảm bảo tăng trưởng 6,9-7%

Kinh tế toàn cầu đang cho thấy sự suy giảm do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Điều này cũng gây ra những lo ngại về ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTTC, TS. TRƯƠNG VĂN PHƯỚC, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định Việt Nam vẫn có các nhân tố đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt được mức dự báo 6,9-7%.

Chiến tranh tiền tệ không xảy ra

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa đến hồi kết lại có dấu hiệu của chiến tranh tiền tệ, dự báo dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Kinh tế thế giới sẽ chậm đi nhiều, lạm phát cũng sẽ thấp xuống. Điều này đang tạo thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam.

TS. TRƯƠNG VĂN PHƯỚC:

- Vấn đề chiến tranh tiền tệ đã có nhiều chuyên gia trên thế giới nói đến. Đặc biệt, khái niệm này rộ lên sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng NDT so với USD vượt quá mức 1USD bằng 7NDT. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá NDT phản ánh thực trạng nền kinh tế nước này.

Lạm phát của Trung Quốc hiện khoảng 2,8%, dự báo cuối năm nay có thể lên trên 3% (khoảng 3,2-3,5%). Vì vậy, đồng NDT từ đầu năm đến nay điều chỉnh xấp xỉ 3,9% có thể nói là mức bình thường, vì tỷ giá và lạm phát có bước đi song hành với nhau.

Hiện nhiều nước trên thế giới đã hạ lãi suất và tỷ giá hối đoái của họ mất giá không nhiều so với đồng USD. Đây cũng là hiện tượng bình thường, vì kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn. Bởi cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ nhì thế giới sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy tăng trưởng kinh tế năm nay có thể chậm lại.

Theo tôi, chiến tranh tiền tệ sẽ không xảy ra. Việc các ngân hàng trung ương dùng chính sách tỷ giá hối đoái, cũng như việc nới lỏng tiền tệ là biện pháp, giải pháp truyền thống. Chiến tranh tiền tệ khác với chiến tranh thương mại ở chỗ, bản chất của nó bộc lộ ở nhiều góc độ, nhiều phương diện, nhưng điều dễ nhìn thấy nhất là thuế suất đánh vào hàng nhập khẩu. Ngược lại, chiến tranh tiền tệ dưới góc độ tỷ giá hối đoái lại khó, vì không quốc gia nào có thể tự định đoạt đồng nội tệ của mình bằng bao nhiêu đồng ngoại tệ.

Đến thời điểm này xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc chưa đáng lo ngại đến tỷ giá hối đoái.Ảnh: VIẾt CHUNG

- Vậy liệu có diễn ra xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu, thưa ông?

- Có một vấn đề hiện nay đang nổi lên trên thị trường tài chính quốc tế, đó là thị trường chứng khoán Mỹ liên tục chao đảo. Sắp tới Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể cắt lãi suất rất nhiều. Đồng thời, một trong những chỉ báo về suy thoái kinh tế mà các nhà phân tích tài chính thế giới nói đến, là khi đường cong lãi suất của trái phiếu 10 năm thấp xuống so với trái phiếu 2 năm, có thể gây ra khủng hoảng cho nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, các cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng những quan điểm đó đã lỗi thời. Vì trước đây xu hướng của lãi suất trái phiếu chủ yếu do kỳ vọng của lãi suất, nay còn chịu tác động bởi nhiều kỳ vọng khác, như cuộc chiến thương mại kéo dài bao lâu, suy thoái kinh tế thế nào…

Do đó nói về suy thoái kinh tế, trên thế giới đang chia 2 trường phái. Một trường phái dự báo khoảng 1 năm nữa, vào khoảng tháng 6 đến tháng 9-2020 sẽ xảy ra suy thoái kinh tế. Trường phái kia, đặc biệt ở Nhà Trắng, nói rằng sẽ không có suy thoái kinh tế.

Khoảng giữa tháng 9 này, FED sẽ họp lại và dưới áp lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chúng ta chờ xem FED sẽ ứng xử thế nào. Nhưng có thể dự báo FED sẽ cắt giảm lãi suất vài lần từ đây cho đến tháng 9-2020. Từ đó có thể dự báo thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ tăng lên và giá USD sẽ thấp xuống.

Việt Nam vẫn có lợi thế

- Trước những biến động của kinh tế thế giới, theo ông Việt Nam cần chuẩn bị những chính sách nào để ứng phó, và trong tình hình này ông nhận định như thế nào về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay?

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt 6,9-7%. Những nhân tố đảm bảo đạt được mức nói trên là xuất khẩu tăng, các luồng vốn bên ngoài vào tăng nhiều, các giao dịch trên cán cân thương mại, kiều hối cũng tăng nhiều.

- Tôi cho rằng, với biến động của thị trường quốc tế không thể có chính sách ứng phó định sẵn, mà phải hết sức linh hoạt. Ngay cả Chủ tịch FED Jerome Powell cũng nói, hiện nay không có sách vở nào để có thể ứng phó với tình huống đặc thù như chiến tranh thương mại. Đó là điều chúng ta cần phải suy nghĩ.

Với những diễn biến hiện nay, kinh tế thế giới sẽ chậm đi nhiều, lạm phát cũng sẽ thấp xuống. Điều này đang tạo thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Năm nay, các dòng vốn FDI từ Nhật Bản, Singapore, Đài Loan vào Việt Nam chậm lại. Nhưng bù lại vốn FDI từ Trung Quốc và Hồng Kông tăng, nên tổng thể FDI của Việt Nam cũng tăng lên. Đồng thời, Việt Nam lựa chọn chính sách đối ngoại đa phương đa dạng hóa và tuân thủ tất cả luật lệ của thế giới.

Về vấn đề lạm phát, mức tăng giá của Việt Nam tác động bởi 2 yếu tố bên ngoài và bên trong. Đối với yếu tố bên ngoài, tổng cầu cũng như mặt bằng giá của thế giới năm nay không tăng nhiều. Mỹ cũng đã cung ứng một lượng xăng dầu lên thị trường thế giới, tạo cung tăng đột biến so với cầu, nên giá xăng dầu từ nay đến cuối năm không tăng, thậm chí có thể giảm. Khi giá xăng dầu thế giới giảm, yếu tố bên ngoài sẽ thuận lợi hơn với lạm phát trong nước.

Còn yếu tố bên trong, hàng hóa tiêu dùng cũng không tăng nhiều. Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn vì dịch tả lợn châu Phi, ảnh hưởng hạn hán, bão lũ… tạo khan hiếm ở một số mặt hàng, nhưng nhìn chung không chịu áp lực nào. Dĩ nhiên, chúng ta cần điều chỉnh hàng hóa dịch vụ công theo lộ trình đặt ra. Với những đặc điểm như vậy, lạm phát năm nay không tăng cao, chỉ khoảng 3,2-3,5%.

- Chúng ta có áp lực về tỷ giá trong những tháng cuối năm, thưa ông?

- Theo tôi việc FED điều chỉnh lãi suất không phải quá lớn. Mức điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc vừa rồi khoảng 3,9%, nhưng chênh lệch lạm phát của Trung Quốc và các nước xấp xỉ đến 1,5%. Vì vậy, cho đến lúc này Trung Quốc mới điều chỉnh trên 2% tỷ giá hối đoái. Đó không phải là mức độ gọi là phá giá để hỗ trợ xuất khẩu của họ.

Hơn nữa, Mỹ và Trung Quốc sẽ họp lại vào tháng 9 này. Mỹ cũng tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, vì vậy Trung Quốc không thể nào tiếp tục con đường này. Đồng thời, Trung Quốc muốn phá giá cũng không được, vì bao nhiêu NDT bằng 1USD hay bao nhiêu USD đổi được bao nhiêu NDT do thị trường thế giới quyết định, trừ khi Trung Quốc lựa chọn cơ chế tỷ giá cố định. Nhưng điều này sẽ gây ra nhiều hệ quả về lòng tin của thị trường, các dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp.

Vì vậy, tôi cho rằng về tỷ giá hối đoái, Trung Quốc không phải phá giá tiền tệ. Và với diễn biến vừa qua, tỷ giá trung tâm của NHNN tăng xấp xỉ 1,4% từ đầu năm đến nay cũng là phù hợp. Cách đây 1 năm, tôi đã có dự báo năm nay tỷ giá trung tâm có thể tăng 1,5-2%. Điều này tương thích với lạm phát của Việt Nam và chênh lệch của lạm phát Việt Nam với các nước.

Việc FED cắt giảm lãi suất có nghĩa USD hạ giá không phải tăng giá như hiện nay. Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của USD so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện nay nằm ở mức 98 điểm. Nhưng nếu FED giảm lãi suất, chỉ số USD Index sẽ giảm xuống 95-96 điểm. Điều đó cũng sẽ giảm áp lực cho Việt Nam trong việc điều hành chính sách tỷ giá hối đoái.

Lãi suất vẫn khó hạ

- Xét riêng tương quan giữa NDT và VNĐ gắn với đặc điểm giao thương Việt Nam - Trung Quốc, ta cần ứng xử như thế nào trước sự điều chỉnh của đồng NDT, thưa ông?

- Đó là vấn đề chúng ta quan tâm. Quan hệ thương mại Việt Nam và Trung Quốc với liều lượng xuất khẩu và nhập khẩu rất lớn. Trước đây, 1USD bằng 6,5NDT, nay 1USD bằng 7,1NDT, tăng khoảng 3,9-4%. VNĐ mất giá khoảng 1,3% so với USD. Như vậy, độ chênh về tỷ giá giữa VNĐ và NDT khoảng 2,6-2,8%, tức NDT sẽ mất giá khoảng 2,6-2,8% đối với VNĐ.

Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái cũng chỉ là một yếu tố tác động đến xuất khẩu và nhập khẩu. Chúng ta phải theo dõi điều chỉnh của thị trường, diễn biến trong thời gian vừa qua tác động đến mức độ nào, từ đây đến cuối năm còn vấn đề nào. Đó là những yếu tố không loại trừ và cần theo dõi chặt chẽ. Nhưng đến thời điểm này đó chưa phải là vấn đề quá lớn, vì xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc không có thay đổi đột biến nào.

- Vấn đề nữa được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là lãi suất. Hiện các nước đang nới lỏng tiền tệ và giảm lãi suất, vì sao lãi suất của Việt Nam vẫn chưa thể hạ, thưa ông?

- Có nhiều lý do để lãi suất VNĐ không thể hạ. Thứ nhất, lạm phát vẫn còn cao, theo dự kiến của Quốc hội là 4%. Thông thường, lãi suất phải cao hơn lạm phát ở mức độ nào đó. Nhìn qua các năm, lạm phát 3-4% lãi suất cũng phải ở mức 7-8%/năm. Vì vậy, lãi suất VNĐ không giảm, do yếu tố về lạm phát không giảm nhiều.

Thứ hai, Việt Nam đang thực hiện chính sách cơ cấu lại hệ thống NH, trong đó có thanh khoản NH. Nhìn chung hệ thống NH Việt Nam vẫn tốt, dù vẫn còn TCTD với những chỉ số về thanh khoản, về xử lý nợ xấu… không được tốt. Chính vì thế, vừa rồi một số TCTD nâng lãi suất huy động và đã bị NHNN “tuýt còi”.

Thứ ba, NHNN cũng yêu cầu điều chỉnh giảm hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Để đảm bảo yêu cầu về chỉ số đó, các TCTD phải có nhiều vốn hơn. Họ có thể kiềm chế tốc độ tăng trưởng về tín dụng, nhưng đồng thời cần tăng vốn huy động lên để đáp ứng yêu cầu. Đó là những yếu tố để Việt Nam không thể giảm lãi suất.

Tuy nhiên, giảm lãi suất là yêu cầu chính đáng của nền kinh tế vì đây là chi phí vốn, đầu vào cho hệ thống sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nên cần phải đặt ra mục tiêu giảm lãi suất. Cụ thể khi ổn định kinh tế vĩ mô, có mức lạm phát thấp, phải đặt ra lộ trình để lãi suất thấp xuống.

- Xin cảm ơn ông.

YÊN LAM (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/viet-nam-nhieu-nhan-to-dam-bao-tang-truong-697-71803.html