Việt Nam nỗ lực cải thiện năng suất lao động

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện năng năng suất lao động trong những năm gần đây, nhờ đó năng suất lao động của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, cả về giá trị và tốc độ.

Quang cảnh tại Hội thảo. (Ảnh: M.P)

Quang cảnh tại Hội thảo. (Ảnh: M.P)

Đó là đánh giá của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo “Năng suất lao động ở Việt Nam – Nguồn gốc và thách thức cho sự tăng trưởng” do VCCI phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hôm nay 28/4 tại Hà Nội

Theo TS Vũ Tiến Lộc, mục tiêu là đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện được những mục tiêu khát vọng này thì chìa khóa chính là nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện năng năng suất lao động trong những năm gần đây, nhờ đó năng suất lao động của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, cả về giá trị và tốc độ.

TS Vũ Tiến Lộc thông tin, năng suất lao động năm 2020 của Việt Nam tính theo giá so sánh năm 2010 chỉ tăng 5,4% (so với mức tăng 6,2% năm 2019, và ở mức thấp nhất trong 5 năm gần đây), đạt mức 117,94 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành (tương đương 5.081 USD/lao động). Mức tăng này cao hơn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cho rằng, mức tăng này chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Năng suất lao động của Việt Nam năm 2020, theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore.

Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện năng suất quốc gia.

Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) đánh giá, năng suất tuyệt đối của khu vực chế biến chế tạo - cốt lõi của khu vực công nghiệp lại không tăng theo thời gian mà lại “kẹt” lại trong suốt 20 năm từ năm 2000 đến nay. Không có sự tăng trưởng vượt bậc. Cùng với đó, tăng trưởng năng suất của khu vực FDI cũng chững lại. Trong khi đó, tăng trưởng năng suất lao động của khu vực tư nhân vẫn đều đặn.

Lý giải thêm về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, trước năm 2000, FDI thâm dụng vốn và công nghệ chiếm đa số (khai thác mỏ, năng lượng, xe máy, ô tô, khuôn đúc...). Sau đó, FDI quy mô lớn, thâm dụng lao động, định hướng xuất khẩu chiếm ưu thế (may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử...). Các hoạt động này có giá trị gia tăng trong nước thấp và năng suất lao động thấp.

Nếu tiền lương tiếp tục tăng, FDI sẽ không nâng cấp mà chỉ đơn giản là rời khỏi Việt Nam - một tình huống “bẫy thu nhập trung bình” điển hình. Cùng với đó, thu hút FDI không tự động củng cố các doanh nghiệp trong nước hoặc kích hoạt sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước chủ nhà trước tiên phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết.

“Điều này có nghĩa chiến lược các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam là họ lựa chọn việc sử dụng lao động giá rẻ với các quy trình giải đơn, cho thấy Việt Nam vẫn nằm ở phần trũng, giá trị thấp”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Với những phát hiện của nghiên cứu về khu vực chế biến chế tạo, FDI và tăng trưởng năng suất dựa trên tăng trưởng kinh tế, PGS.TS Nguyễn Đức Thành đặc biệt bày tỏ lo lắng và đề xuất cần có một phong trào tăng trưởng năng suất một cách cương quyết. Đồng thời, cần phải đưa những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động của VCCI lên mức cao hơn ở tầm lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

M.P

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/viet-nam-no-luc-cai-thien-nang-suat-lao-dong-579443.html