Việt Nam nỗ lực không ngừng thực hiện cam kết tại ASEAN và Liên hợp quốc

Trong bài báo đăng trên Bangkok Post mới đây, tác giả Kavi Chongkittavorn cho rằng, Việt Nam rất tích cực và nỗ lực không ngừng nghỉ thực hiện cam kết cốt lõi của mình cũng như vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Liên hợp quốc (LHQ).

Cuộc gặp "lịch sử" giữa Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi VÀ Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại New York (Mỹ) ngày 31/1. (Nguồn: Twitter)

Chuyến đi “chưa có tiền lệ”

Theo nhà báo Kavi Chongkittavorn, Cố vấn truyền thông cao cấp của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), mới 5 tuần kể từ khi Việt Nam đảm nhận vai trò kép, Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, có thể nhận thấy một hình ảnh Việt Nam rất tích cực và nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc thực hiện cam kết cốt lõi của mình cũng như vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa ASEAN và LHQ.

Để chứng minh, ông Kavi Chongkittavorn đã điểm lại phiên thảo luận về quan hệ hợp tác giữa LHQ và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế dưới sự chủ trì của Việt Nam - Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020. Sau khi Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Nha Trang vào tháng trước, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đã tới New York dự phiên họp cùng với sự hiện diện của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Việc một Tổng Thư ký ASEAN dự phiên thảo luận tại LHQ là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 52 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội.

Khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nhấn mạnh 4 nhiệm vụ chính, bao gồm: bảo đảm vai trò trung tâm của LHQ, duy trì chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế; thúc đẩy tự do hóa thương mại, hội nhập và kết nối kinh tế; đóng góp tích cực hơn cho việc giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu; và cuối cùng là hiện thực hóa chủ đề Năm ASEAN 2020 "gắn kết và chủ động thích ứng" nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ và đoàn kết.

Thành công tốt đẹp

Chuyên gia Kavi Chongkittavorn nhận định, cuộc thảo luận đã diễn ra tốt đẹp, các thành viên của HĐBA đều dành lời khen ngợi những nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới.

Trong phần trình bày của mình, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đã nêu bật quá trình thúc đẩy hòa bình và an ninh của Hiệp hội trong 5 thập kỷ qua trên nền tảng là các cơ chế do ASEAN làm trung tâm cũng như các quy tắc được thực hiện rộng rãi trên tinh thần đối thoại và tham vấn.

Tổng Thư ký ASEAN cũng đã cố gắng làm nổi bật 8 khía cạnh quan trọng trong những nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng quốc tế, bao gồm: i) hội nhập kinh tế và phát triển toàn diện; ii) giải quyết và phòng ngừa xung đột; iii) giải quyết các thách thức xuyên quốc gia trong đó nổi bật như chống khủng bố và bạo lực cực đoan; iv) vì sự tiến bộ của phụ nữ, chương trình nghị sự về hòa bình và an ninh; v) giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tích cực thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững thông qua các sáng kiến bổ sung; vi) khai thác tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; vii) thúc đẩy mạng lưới thành phố thông minh ASEAN và tăng cường hợp tác an ninh mạng khu vực.

Về phía LHQ, Tổng Thư ký Antonio Guterres đã bày tỏ sự đánh giá cao về những đóng góp lâu dài của các thành viên ASEAN trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, đặc biệt là đội ngũ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Ông Antonio Guterres cũng mong muốn tăng cường hợp tác giữa LHQ với ASEAN trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hòa bình và hòa giải; phụ nữ, hòa bình và an ninh; chống khủng bố và phòng chống bạo lực cực đoan; quản lý biên giới và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; sắp xếp cảnh báo sớm và phân tích mối đe dọa, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng. LHQ cũng mong muốn có được lộ trình hợp tác với ASEAN để đáp ứng Chương trình nghị sự 2030 của LHQ về phát triển bền vững được nêu tại LHQ vào tháng 11 năm ngoái.

Cuối cùng, các thành viên HĐBA cũng đề cập vai trò của ASEAN trong hoạt động vì hòa bình, bền vững và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tại phiên thảo luận, các thành viên Hội đồng Bảo an như Trung Quốc, Nga và Đức - các đối tác đối thoại của ASEAN cũng đã nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng mạnh mẽ với ASEAN. Các thành viên khác như Anh và Pháp cũng bày tỏ mong muốn hợp tác chính thức với ASEAN.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ tại phiên thảo luận ngày 31/1. (Nguồn: UN)

Phát biểu đại diện quốc gia tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN; nhấn mạnh ASEAN là đối tác năng động và tin cậy của LHQ, chia sẻ thành công của ASEAN, trong đó có sự hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015, là minh chứng mạnh mẽ cho tinh thần đoàn kết cùng phấn đấu vì các mục tiêu chung.

Đại sứ cũng đề cao vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài, tạo dựng môi trường thuận lợi cho các bên liên quan điều hòa khác biệt, tăng cường hiểu biết, tin tưởng và đối thoại trên những vấn đề cùng quan tâm, qua đó thúc đẩy văn hóa hòa bình, góp phần ngăn ngừa các nguy cơ xung đột.

Thu Hiền

(theo Bangkok Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-no-luc-khong-ngung-thuc-hien-cam-ket-tai-asean-va-lien-hop-quoc-109323.html