Việt Nam nỗ lực 'phủ sóng' vắc-xin Covid-19 (*): Ưu tiên sản xuất vắc-xin trong nước

Vắc-xin Covid-19 nhập khẩu cộng với các loại vắc-xin sản xuất trong nước hứa hẹn đủ vắc-xin ngừa Covid-19 trong toàn dân

Trong khi vắc-xin đang khan hiếm trên thị trường thế giới, Việt Nam đã nỗ lực thương thảo thành công, tiếp nhận được 117.600 liều vắc-xin đầu tiên vào ngày 24-2.

Hành trình gian nan

Ít ai biết phía sau lô vắc-xin đầu tiên về Việt Nam là cả một hành trình gian nan. Kể lại về việc thương thảo vắc-xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay trải qua ít nhất 10 cuộc họp giữa Chính phủ, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan, cuối cùng hợp đồng mua lô vắc-xin phòng Covid-19 từ AstraZeneca được thông qua. Một giờ trước khi hãng dược AstraZeneca (Anh) khóa sổ, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đặt bút ký hợp đồng bảo mật mua lô vắc-xin phòng Covid-19 về Việt Nam. "Đó là một quyết định táo bạo. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi hôm nay, lô vắc-xin đầu tiên đã được hãng giao về Việt Nam" - Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vắc-xin Việt Nam (VNVC), cho biết trong nội dung đàm phán có nhiều điều khoản về bảo mật, quyền và nghĩa vụ vô cùng khó khăn. Trong đó, có điều khoản VNVC phải chấp nhận toàn bộ rủi ro nếu nghiên cứu không thành công ở giai đoạn tiếp theo. Hãng sản xuất sẽ không hoàn lại số tiền đã đầu tư, đồng thời nếu hãng yêu cầu thêm ngân sách cho nghiên cứu tiếp theo, VNVC phải tiếp tục đầu tư theo thỏa thuận.

Hội đồng Đạo đức kiểm tra quy trình sản xuất vắc-xin của Công ty Nanogen

Hội đồng Đạo đức kiểm tra quy trình sản xuất vắc-xin của Công ty Nanogen

Với sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Y tế, VNVC đã thỏa thuận phân phối vắc-xin từ AstraZeneca về Việt Nam. Qua nhiều vòng thẩm định về kho lạnh, tiêu chuẩn của hệ thống tiêm chủng vắc-xin cũng như nguồn lực tài chính, đối tác mới chấp nhận để VNVC phân phối vắc-xin về Việt Nam. Khi ký hợp đồng này, VNVC đã phải đặt cọc số tiền không nhỏ (hàng trăm tỉ đồng).

"Đây là quyết định mạo hiểm vì trong hợp đồng nêu rõ vắc-xin vẫn khan hiếm và sẽ được phân phối về Việt Nam từ giữa năm 2021. Tuy nhiên, lô vắc-xin về sớm hơn dự kiến này là một tín hiệu tích cực. Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á nhận được vắc-xin từ AstraZeneca. VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vắc-xin trong năm 2021. Số vắc-xin này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều, giá khoảng 12 tỉ đồng" - ông Ngô Chí Dũng thông tin.

Cũng theo ông Ngô Chí Dũng, VNVC hiện có 49 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, với hơn 5.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp cùng các nền tảng công nghệ cao... sẵn sàng phục vụ nhu cầu đăng ký, sắp xếp, điều phối và tiến hành tiêm chủng cho hàng chục triệu người. "Phương án phục vụ 3 ca, thậm chí 24/7 tại tất cả trung tâm trên toàn hệ thống đã được chuẩn bị để phục vụ người dân được tiêm vắc-xin Covid-19 sớm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế" - ông Ngô Chí Dũng nói.

Giải pháp bền vững, chủ động chống dịch

Công ty CP Công nghệ Sinh học dược Nanogen TP HCM (viết tắt Công ty Nanogen) là đơn vị tiên phong trong sản xuất và đang trong quá trình tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc-xin trên người. Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo và Hội đồng Đạo đức (Bộ Y tế) mới đây đã làm việc với đơn vị này nhằm tư vấn một số vấn đề cũng như đốc thúc việc sản xuất. Buổi làm việc có sự tham gia phản biện, thẩm định của các chuyên gia đầu ngành về vắc-xin. Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, nhấn mạnh: "Vắc-xin sản xuất trong nước là ưu tiên số 1".

Theo ông Nguyễn Ngô Quang, sự kiện 117.600 liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên về đến Việt Nam cùng với vắc-xin sản xuất trong nước góp phần mở ra cơ hội "phủ sóng" vắc-xin Covid-19. "Tuy vắc-xin nhập khẩu là tối quan trọng nhưng về tương lai, giải pháp bền vững, chủ động chống dịch, ứng phó với các biến chủng của virus, việc sản xuất vắc-xin trong nước sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Bộ Y tế" - ông Nguyễn Ngô Quang khẳng định.

Ông Quang cho biết thêm đến nay cơ quản quản lý và hội đồng khoa học Bộ Y tế đánh giá vắc-xin Nanocovax tiêm thử nghiệm trên người giai đoạn 1 (ngày 8-2 cho 60 tình nguyện viên) an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2. Về tính sinh miễn dịch, hiện cả 3 liều 25 mg, 50 mg và 75 mg đều có sinh miễn dịch đáp ứng khá tốt. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được liều nào tối ưu, bởi số lượng người thử nghiệm còn ít, thời gian theo dõi còn ngắn. Để có một liều tối ưu, ngày 26-2, việc tiêm thử nghiệm vắc-xin Nanocovax trên người giai đoạn 2 đã được tiến hành ở Hà Nội và Long An. Riêng về hiệu lực bảo vệ, tối thiểu phải kéo dài 6 tháng sau tiêm mới có thể đánh giá.

Ông Hồ Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Nanogen, cho biết giá thành vắc-xin Covid-19 của công ty khi đưa vào sử dụng khoảng 120.000 đồng/liều.

Đại diện Hội đồng Đạo đức cho rằng Việt Nam đã có truyền thống sản xuất vắc-xin ở Hà Nội, Nha Trang... Từ 30 năm trước, Việt Nam là cường quốc Đông Nam Á sản xuất vắc-xin. Với việc sản xuất vắc-xin Covid-19 của Công ty Nanogen, Hội đồng Đạo đức khen tính đồng nhất trong sản xuất, bảo quản vắc-xin (từ 2-8 độ C) nhưng đề nghị công ty cần phải xây dựng trung tâm kiểm định riêng biệt.

Vắc-xin do Công ty Nanogen đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng là vắc-xin Nanocovax, bắt đầu từ tháng 12-2020, trải qua 3 đợt tiêm thử nghiệm trên người và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12-2021.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-3

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/viet-nam-no-luc-phu-song-vac-xin-covid-19-uu-tien-san-xuat-vac-xin-trong-nuoc-20210302204209204.htm