Việt Nam nỗ lực tăng chỉ số đổi mới sáng tạo

'Trong bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như là một ưu tiên quốc gia' - đây là nhận định của ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) khi đánh giá về xếp hạng Chỉ số GII của Việt Nam năm 2020.

"Trong bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như là một ưu tiên quốc gia” - đây là nhận định của ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) khi đánh giá về xếp hạng Chỉ số GII của Việt Nam năm 2020.

Đánh giá lại chỉ số GII 10 năm qua để đổi mới

Tại hội thảo “Giới thiệu báo cáo chỉ số GII năm 2020 và kết quả của Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Trong bảng xếp hạng GII năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 - được các chuyên gia WIPO đánh giá là cao hơn so với trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam. Các nước xếp trên Việt Nam trong GII năm 2020 đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu. Tuy nhiên, giai đoạn tới, Việt Nam sẽ đánh giá lại toàn diện chỉ số đổi mới sáng tạo 10 năm qua để từ đó đưa ra những giải pháp, đề xuất đổi mới chính sách đổi mới sáng tạo để Việt Nam có “bước” phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc WIPO cho rằng: Về xếp hạng đổi mới sáng tạo năm 2020, Việt Nam xếp hạng thứ 42 trong bộ chỉ số GII - đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có sự thăng hạng cùng với ba quốc gia đang phát triển khác là Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam đã đạt được tiến bộ “ấn tượng” về thứ hạng trong bộ chỉ số GII. Việt Nam đứng đầu trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Tính chung những năm qua, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế GII top 50 về sự tiến bộ trong việc tăng thứ hạng chỉ số đổi mới sáng tạo theo thời gian. Theo đó, Việt Nam được đề xuất là một quốc gia vượt trội về đổi mới sáng tạo trong 10 năm liên tiếp. Đầu ra từ đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiệu quả hơn so với đầu vào và tiếp tục đạt được mức điểm số vượt mức trung bình của nhóm thu nhập trung bình trong tất cả 7 lĩnh vực của chỉ số đổi mới sáng tạo GII”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Cùng với việc Việt Nam đánh giá lại chỉ số GII 10 năm qua để đổi mới, WIPO đã hỗ trợ Việt Nam đánh giá chỉ số GII, đồng thời, hỗ trợ việc xây dựng Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 để hình thành Mạng lưới IP-HUB nhằm thúc đẩy sáng chế của Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, cần nghiên cứu hình thành đánh giá các chỉ số đổi mới sáng tạo tại các địa phương để thời gian tới, GII sẽ là công cụ đắc lực hỗ trợ cho các địa phương.

Toàn hệ thống cần hiểu rõ hơn về Chỉ số GII

Trong bảng xếp hạng GII năm 2020, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, Việt Nam giữ được thứ hạng 42/131 quốc gia và nền kinh tế là nỗ lực của toàn hệ thống trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ. Điểm rõ nhất có thể thấy trong thời gian qua, hàng loạt dự án, viện nghiên cứu của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân, trung tâm đổi mới sáng tạo được hình thành. Sự thay đổi này được tích hợp và đánh giá khách quan thông qua chỉ số GII từ năm 2017 đến nay của Việt Nam tăng liên tục, từ vị trí 59 năm 2016 lên 42 năm 2019 và 2020.

Trong bối cảnh khó khăn của năm 2020, khi nền kinh tế các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên như một hình mẫu về chống dịch và tích lũy kết quả nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong nhiều năm, đưa ra giải pháp về khoa học và công nghệ để hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, thông qua chỉ số GII năm 2020, các bộ, ngành, địa phương cần hiểu rõ hơn về Chỉ số GII để tiếp tục xây dựng, triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số nhằm đạt mục tiêu Chính phủ đã đặt ra.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng: Các bộ, ngành, địa phương cùng nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm cải thiện việc thu thập dữ liệu cũng như tập trung vào việc điều phối chính sách ở tất cả các cấp chính quyền để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên trên các nước đang phát triển trên toàn thế giới, hướng tới nối liền sự ngăn cách về đổi mới sáng tạo toàn cầu giữa các nền kinh tế phát triển, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Thời gian qua, Chính phủ đã sử dụng chỉ số GII như một công cụ quản lý điều hành quan trọng, đồng thời đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm cải thiện GII và Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Hơn nữa, Việt Nam đã khai thác được những cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, nước ta đã chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, chủ động hội nhập với nền kinh tế thế giới, có những hoạt động ngoại giao đa dạng giúp nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy, tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu, mạng lưới đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới.

H.L

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_231768_viet-nam-no-luc-tang-chi-so-doi-moi-sang-tao.aspx