'Việt Nam phải công nhận doanh nghiệp tạo tác động xã hội là đối tác chính để đạt mục tiêu phát triển bền vững'

Bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị 'Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững' do Tạp chí Kinh tế & Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) tổ chức sáng 28/8 tại Hà Nội.

Theo tài liệu nghiên cứu của UNDP, Doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) được định nghĩa tổ chức ở đó hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội/môi trường là hai nguyên lý trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức. Việc cân bằng giữa mục tiêu xã hội/môi trường với mô hình thương mại cho phép loại hình tổ chức này có thể giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững.

Tại Hội nghị "Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững", bà Catherine Phương chia sẻ những con số ấn tượng trong khu vực Doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) tại Việt Nam. Đó là 40% SIB được thành lập từ năm 2015; 2016 là năm bùng nổ (14%), 72% SIB được đăng ký doanh nghiệp.

"Thật thú vị khi chú ý xem có bao nhiêu doanh nghiệp tự công nhận là coi tác động xã hội là nhiệm vụ ưu tiên của mình nhưng chưa được đăng ký là doanh nghiệp xã hội theo pháp luật", bà Catherine Phương nói.

Bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam trình bày bài tham luận tại Hội nghị "Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững".

Các SIB chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM). 3 mục tiêu phát triển bền vững hàng đầu mà các SIB có thể đóng góp nhiều nhất là Mục tiêu phát triển bền vững số 8: Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế; Mục tiêu phát triển bền vững số 3: Sức khỏe tốt; Mục tiêu phát triển bền vững số 1: Không còn đói nghèo. 2 lĩnh vực kinh doanh chính là: nông nghiệp, ngư nghiệp, sữa (32%); Giáo dục - đào tạo (30%).

Hầu hết các SIB có quy mô nhân lực nhỏ: 70% SIB có dưới 20 nhân viên. Tuy nhiên, khu vực này gồm nhiều tầng lớp xã hội, với 74% công nhân đến từ nhóm người thiệt thòi trong xã hội và 90% là người dân địa phương. Những SIB cũng đa dạng hơn trong ban lãnh đạo. Sự đa dạng này được phản ánh trong việc có nhiều người và phụ nữ từ các nhóm yếu thế trong xã hội tham gia vào quá trình thành lập và hoạt động của các SIB. Thực tế có 41% lãnh đạo doanh nghiệp SIB là phụ nữ, và 1% đến từ cộng đồng những người đồng tính luyến ái. Tỷ lệ nhà khởi nghiệp xã hội là phụ nữ cao hơn nhiều con số 25% trong lĩnh vực thương mại tại Việt Nam và trung bình 10% trên toàn thế giới.

"Qua những thông tin này, chúng ta có thể nói rằng bằng cách hỗ trợ các SIB, hoặc thúc đẩy Khởi nghiệp xã hội trong khu vực tư nhân, chúng ta cũng có thể hỗ trợ đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 10: Giảm bất bình đẳng và một phần của ý tưởng “không ai bị bỏ lại đằng sau”, bà Catherine Phương nhận định.

Bà Catherine Phương phát biểu, "là đối tác phát triển quốc tế của Việt Nam, UNDP muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình Nghị sự năm 2030 và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững để chúng tôi không bỏ lại ai ở phía sau khi Việt Nam tiếp tục tiến bước phát triển".

Những tham vọng của Chương trình nghị sự năm 2030 yêu cầu Việt Nam và UNDP sát cánh cùng nhau trong mọi lĩnh vực để thay đổi thế giới chúng ta đang sống và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Đó là lý do vì sao một vai trò then chốt như vậy được công nhận cho khu vực tư nhân, đó là để hợp tác với Chính phủ và các tổ chức xã hội, và hỗ trợ thúc đẩy thay đổi cũng như đẩy nhanh quá trình tác động xã hội.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp đang nhận ra rằng đầu tư theo cách bảo vệ môi trường và thúc đẩy hiệu quả xã hội không chỉ là một hành động nhân ái, từ thiện mà còn thể hiện sự hiểu biết kinh doanh tốt. Những doanh nghiệp cân bằng nhiệm vụ xã hội với lợi nhuận có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến cộng đồng nơi họ hoạt động và có thể tạo ra giá trị cần thiết để phát triển công việc kinh doanh, đồng thời tăng cường tác động xã hội của họ.

"Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải hỗ trợ phát triển cho khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam và công nhận những doanh nghiệp và doanh nhân đó là những đối tác chính để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững", bà Catherine Phương nhấn mạnh.

Năm 2018, UNDP, Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội (CSIE), thuộc trường Đại học kinh tế quốc dân, và Đại học Northampton đã công bố bản báo cáo về “Tăng cường phát triển khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam". Theo Trợ lý Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam, đây là nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay về lĩnh vực Doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) tại Việt Nam được thực hiện.

"Những doanh nghiệp tạo tác động xã hội được hiểu là những tổ chức có cả hoạt động kinh doanh và cả cam kết tác động tích cực đến xã hội/môi trường, là 2 nguyên tắc tập trung trong chiến lược hoạt động của họ. Với tư cách là UNDP tại Việt Nam, chúng tôi ủng hộ sự hiểu biết sâu rộng hơn về khởi nghiệp xã hội vì chúng tôi nhìn thấy cơ hội lớn cho tất cả những doanh nghiệp từ những doanh nghiệp xã hội nhỏ đến những tập đoàn lớn được tham gia vào rất nhiều hoạt động trong khu vực Doanh nghiệp tạo tác động xã hội với một nhiệm vụ xã hội là có những đóng góp quý báu vào các Mục tiêu phát triển bền vững", bà Catherine Phương cho biết.

Với tư cách là UNDP, bà Catherine Phương tin rằng các nhà khởi nghiệp xã hội Việt Nam sẽ đóng vai trò thiết yếu để UNDP tiến tới các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc cung cấp mô hình bền vững để thúc đẩy thay đổi xã hội, và thông qua việc đổi mới các giải pháp dựa trên thị trường để ứng phó với những thách thức phát triển.

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/-viet-nam-phai-cong-nhan-doanh-nghiep-tao-tac-dong-xa-hoi-la-doi-tac-chinh-de-dat-muc-tieu-phat-trien-ben-vung/20190828045912881