Việt Nam phấn đấu lọt top 10 nước hàng đầu thế giới về chế biến nông sản

Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành T.Ư, các hiệp hội, ngành hàng, một số DN nông nghiệp và đầu cầu 63 tỉnh, TP. Tại đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì, tham dự cùng có đại diện các sở ngành, quận, huyện...

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2013 - 2019, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5 - 7%. Xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến.

Công nghiệp chế biến nông sản phát triển góp phần quan trọng vào tăng trưởng các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Việt Nam tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó, có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. Năm 2019, xuất khẩu nông sản đạt gần 41,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2018.

Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đang phát triển tương đối nhanh.

Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đang phát triển tương đối nhanh.

Đến nay, Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với khoảng 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế và chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa. Riêng năm trong hai năm 2018 và 2019 đã có 30 dự án lớn về chế biến nônglâm thủy sản với số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD đã khởi công xây dựng. Một số cơ sở đã hoàn thành, đi vào giai đoạn sản xuất.

Đáng chú ý, chế biến nông lâm thủy sản đã giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động mà phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng; góp phần to lớn cho xóa đói giảm nghèo ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ ra những thách thức mà ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam phải đối mặt. Cụ thể, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, đe dọa sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu phục vụ chế biến. Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa thật sự hình thành một nền nông nghiệp lớn theo hướng hiện đại. Nguyên liệu phục vụ chế biến chất lượng thấp, không đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm đang là thách thức lớn.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản nói chung, sản phẩm chế biến nói riêng ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng, đặc biệt là quy trình sản xuất, chế biến. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam thấp. Các nguồn lực (vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và hội nhập) còn rất kém, hạn chế đến quá trình đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản phẩm. Ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics ở Việt Nam chưa phát triển, chí phí của nền kinh tế cao so với các quốc gia khác…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu; đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành NN&PTNT đã đặt ra định hướng phát triển tổng quát. Đó là tổ chức liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định đối với tất cả mặt hàng. Đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất chế biến.

Đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị chế biến để sản xuất ra sản phẩm phong phú về chủng loại, giá trị gia tăng cao, hạ giá thành và có sức mạnh cạnh tranh trên thị trường đối với tất cả mặt hàng, đặc biệt mặt hàng chè, rau quả, gia vị nguồn gốc thực vật và các loại thực phẩm chức năng, thảo dược…

Phát triển cơ sở chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản phải đảm bảo yêu cầu có trình độ công nghệ tiên tiến và quy mô phù hợp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chế biến nông sản. Đồng thời, thúc đẩy hệ thống logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản một cách đồng bộ, chuyên nghiệp.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/viet-nam-phan-dau-lot-top-10-nuoc-hang-dau-the-gioi-ve-che-bien-nong-san-365721.html