Việt Nam phản đối Trung Quốc xây cáp ngầm ở Hoàng Sa

Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh ở Biển Đông.

Khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa

Ngày 11/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận thêm về thông tin cho biết Trung Quốc đang xây các đường cáp ngầm nối các thực thể nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động liên quan đến hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị.

Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh ở Biển Đông".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Việt Nam tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng

Về phản ứng của Việt Nam về Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được đảm bảo thực hiện trên thực tế.

Cũng theo người phát ngôn, thời gian qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55 ngàn chức sắc, 145 ngàn chức việc, 29 ngàn cơ sở thờ tự; 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân; đặc biệt là nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)… Những nỗ lực này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

"Chúng tôi ghi nhận Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề cập đến những thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam.

Tuy nhiên, Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn có những thông tin thiếu khách quan, không chính xác và chưa được kiểm chứng về tình hình Việt Nam.

Việt Nam tiếp tục duy trì và sẵn sàng tăng cường hợp tác, trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau thông qua các khuôn khổ đối thoại song phương, trong đó có đối thoại nhân quyền thường niên, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước", bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.

Mỹ điều tra gỗ dán của Việt Nam: Cần xem xét công bằng

Trước thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang bắt đầu điều tra xem liệu gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam dùng nguyên liệu Trung Quốc có đang lách các quy định đánh thuế của Hoa Kỳ với hàng Trung Quốc hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp với kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 76 tỷ USD năm 2019.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư song phương theo hướng hài hòa, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai nước. Việt Nam cũng luôn thực thi một cách nghiêm túc và đầy đủ các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Bên cạnh đó, các bộ ngành của Việt Nam cũng đang tích cực và chủ động triển khai các nhiệm vụ đã nêu tại Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 04/07/2019.

Liên quan đến thông tin phóng viên nêu, người phát ngôn cho rằng vấn đề này cần được xem xét một cách khách quan, công bằng, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và thông lệ quốc tế cũng như quan hệ kinh tế - thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, qua đó đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp của hai nước cũng như người tiêu dùng hai nước.

Hoa Kỳ gửi công thư nêu quan điểm phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

Bình luận về thông tin ngày 3/6, Hoa Kỳ đã có công thư gửi lên Liên hợp quốc để nêu quan điểm phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông nêu tại công hàm CML/14/2019 (nhưng không bình luận về yêu cầu của Malaysia về thềm lục địa), người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết:

Việt Nam quan tâm đến việc thời gian vừa qua, có nhiều quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã lưu hành văn bản bày tỏ quan điểm về tình hình Biển Đông. Việc lưu hành tài liệu bày tỏ quan điểm là một phương thức hoạt động thường làm của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, bao gồm cả về chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nêu rõ nhiều lần.

"Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như các quyền lợi hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Cộng đồng quốc tế cũng như Liên hợp quốc coi trọng việc các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có quan điểm đề cao, thúc đẩy và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982", bà Lê Thị Hằng nêu rõ.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/viet-nam-phan-doi-trung-quoc-xay-cap-ngam-o-hoang-sa-3405632/