Việt Nam - Pháp: Nửa thế kỷ một mối quan hệ 'đặc biệt, mạnh mẽ'

Năm 2023 này với hai nước Việt - Pháp là một năm đặc biệt khi hai nước kỷ niệm tròn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao và tròn một thập kỷ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

5 thập kỷ qua, như nhìn nhận của Tổng thống Jaques Chirac, Việt Nam – Pháp đã là mối quan hệ “đặc biệt, mạnh mẽ”, hình thành từ sự chân thành. Có lẽ chính vì điều đó, quan hệ Việt Nam – Pháp ngày càng phát triển mạnh mẽ, vừa phát huy được mối quan hệ hữu nghị truyền thống vừa thắt chặt những mối hợp tác đa dạng, đa lĩnh vực.

Mối quan hệ lịch sử đặc biệt, nhiều duyên nợ

Cách đây gần 2 năm, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, sáng ngày 4/11/2021 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng Việt Nam và Pháp có mối quan hệ lịch sử đặc biệt, nhiều duyên nợ và luôn có sự gắn kết về mọi mặt, từ quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế đến văn hóa, kiến trúc, ẩm thực và con người.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa Pháp ngày 27/3/2018. Ảnh: TTXVN

Cũng trong chuyến thăm này, nói đến 2 chữ “duyên nợ” của mối quan hệ này, Thủ tướng cho hay, nước Pháp là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến, đã ở lại lâu nhất trên hành trình tìm đường cứu nước, và cũng tại nơi đây, Người đã tìm ra con đường cứu dân tộc mình. Rồi cũng ngay tại Paris, một hiệp ước hòa bình đã được ký để chấm dứt chiến tranh cho Việt Nam…

“Chúng ta trải qua chiến tranh nhưng đã vượt lên tất cả, để hướng đến tương lai. Chúng ta không định kiến quá khứ, đó là văn hóa. Chúng tôi khi gặp các nước “có vấn đề” với nhau thì họ không thông cảm, chia sẻ được như giữa chung ta với nhau; đó là điều rất có giá trị nhân văn cao, là nền tảng”, Thủ tướng nói.

Đặc biệt, Thủ tướng cho biết từ đó đến nay, quan hệ giữa hai nước càng ngày càng gắn bó và sự gắn bó này là yêu cầu khách quan, quan trọng hơn nữa là các hợp tác này không hề gây xung đột mà lại bổ sung, bổ trợ và hoàn thiện cho mỗi bên. “Đó là nền tảng để quan hệ này ngày càng gắn kết, tin tưởng và bền chặt. Trong quan hệ quốc tế, lòng tin chính trị là quan trọng lắm, mà cái này giữa chúng ta có”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.

Còn Chủ tịch Thượng viện Pháp Larcher, trong chuyến thăm chính thức đến Việt Nam hồi tháng 12/2022 đã chia sẻ: “Tôi muốn nhấn mạnh đến sức mạnh của quá khứ và sự ảnh hưởng của sức mạnh này tới mối quan hệ giữa 2 quốc gia. Chính sức mạnh này đã tạo ra mối quan hệ Pháp - Việt Nam ngày nay và sẽ còn chỉ đường cho mối quan hệ này trong tương lai”.

Chủ tịch Thượng viện Pháp Larcher nhấn mạnh điều đặc biệt trong mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam chính là khả năng vượt qua những khác biệt và lịch sử giữa 2 nước để hướng tới tương lai, xây dựng câu chuyện ngoại giao mới.

Một buổi học tại Đại họcKhoa học và Công nghệ Hà Nội (còn được gọi là Đại học Việt- Pháp). Ảnh: TTXVN

Không ngừng phát triển mạnh mẽ

Niềm tin, mối quan hệ lịch sử đặc biệt, nhiều duyên nợ và luôn có sự gắn kết về mọi mặt ấy đã là nền tảng vững chắc để mối quan hệ Việt Nam - Pháp đơm hoa kết trái. Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Francois Mitterrand tới Việt Nam trong năm 1993 có thể coi là một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Pháp. Đó là lần đầu tiên một Tổng thống Pháp đến Việt Nam.

Năm 1997, Tổng thống Jacques Chirac thăm Việt Nam nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh các nước có sử dụng tiếng Pháp tại Hà Nội. Tiếp theo đó, những chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao giữa hai nước đã từng bước thúc đẩy, tăng cường và đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp lên những tầm cao mới, để đến năm 2013, hai nước đã ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.

Từ thời khắc ấy, quan hệ song phương Việt Nam - Pháp đã phát triển hết sức mạnh mẽ, trong đó kinh tế là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng. Pháp là đối tác thương mại Châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam.

Tổng thống Pháp Francois Hollande gặp gỡ du khách tại khu vực phố cổ Hà Nội trong chuyến thăm Nhà nước tới Việt Nam năm 2016. Ảnh: TTXVN

Pháp hiện là đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 5,34 tỷ USD, mức cao thứ hai chỉ sau năm 2019 (5,38 tỷ USD). Tính riêng hai tháng đầu năm 2023, thương mại song phương đạt 0,78 tỷ USD, bằng 14,6% của cả năm trước.

Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á. Về hợp tác giáo dục và đào tạo, Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới với số lượng trên 10.000 sinh viên Việt Nam hiện du học tại Pháp (tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua). Về hợp tác y tế, đây là lĩnh vực hợp tác truyền thống với gần 3.000 bác sĩ Việt Nam được thực tập tại các bệnh viện Pháp và hợp tác giữa Viện Pasteur Paris và các viện Pasteur Việt Nam.

Hợp tác địa phương là nét đặc thù trong quan hệ Việt - Pháp. Được đặt nền móng từ năm 1989, đến nay, đã có trên 38 địa phương các cấp của Pháp và 18 tỉnh, thành phố Việt Nam tham gia hợp tác theo cơ chế này với 240 dự án hợp tác phi tập trung giữa địa phương hai nước. Việt Nam và Pháp xác định hợp tác giữa các địa phương là một trụ cột góp phần tăng cường mối quan hệ và tình đoàn kết giữa hai nước và nhân dân hai nước. Đặc biệt, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 sẽ được tổ chức vào tháng 4/2023 tại Hà Nội, được coi là sẽ góp phần mở ra giai đoạn quan trọng cho việc ký kết các quan hệ đối tác mới.

“Mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam trong 50 năm qua như một vũ điệu giữa 2 người si mê nhau. Cựu Tổng thống Jacques Chirac từng khẳng định tiếng nói Việt Nam đã chạm tới trái tim của người Pháp. Hôm nay tôi muốn nói rằng tiếng nói của người Pháp đã chạm đến trái tim của người Việt Nam”, Chủ tịch Thượng viện Pháp Larcher khẳng định.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp bà Raymonde Dien ngày 26/3/2018 nhân dịp Tổng Bí thư thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Ảnh: TTXVN

Nâng lên tầm cao mới, đề cao văn hóa sẻ chia

Theo nhìn nhận của các nhà quan sát, Việt Nam và Pháp hiện đang có nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá mạnh mẽ với một tầm nhìn lâu dài, vững chắc, làm cơ sở đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.

“Sự quyết tâm của lãnh đạo, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự tích cực của các đối tác trên mọi lĩnh vực đang cho chúng ta một niềm tin vào sự phát triển sâu rộng và hiệu quả của quan hệ Việt Nam – Pháp trong tương lai. Mối quan hệ đó sẽ giúp cả hai nước tiếp tục xây dựng sức mạnh và chỗ đứng của mình trong một thế giới đang có nhiều biến động và rất cần các mối hợp tác tăng cường để cùng ứng phó với các thách thức chung về phát triển và ổn định” - Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhìn nhận.

“Không gian sách tiếng Pháp” tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) vay vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Chính phủ Pháp (DGT), được công ty Systra của Pháp tư vấn thiết kế. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Trong rất nhiều mối liên hệ thân thuộc thì các giá trị con người và văn hóa thực sự là sợi dây gắn kết giữa nhân dân hai nước Việt - Pháp. Có lẽ vì lẽ đó, khẩu hiệu “Văn hóa sẻ chia” đã được hai nước lựa chọn cho dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. “Năm nay, Pháp và Việt Nam cũng kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược, thể hiện mong muốn của chúng ta duy trì mối quan hệ có chiều sâu và có cơ cấu. Sự gần gũi giữa Pháp và Việt Nam bắt nguồn từ một lịch sử chung, và để minh họa cho sự gần gũi này, chúng tôi cùng với các cơ quan Việt Nam đã chọn khẩu hiệu “Văn hóa sẻ chia”. Ở đây, tôi nhấn mạnh tới hai nền văn hóa - và việc chúng ta chia sẻ hai nền văn hóa của chúng ta” - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery lý giải.

Từ mối quan hệ lịch sử đặc biệt, nhiều duyên nợ ngày hôm qua, từ “Văn hóa sẻ chia” ngày hôm nay, càng có thêm niềm tin vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam – Pháp trong tương lai.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam--phap-nua-the-ky-mot-moi-quan-he-dac-biet-manh-me-post243454.html