Việt Nam quá ít các công trình xanh mang dấu ấn riêng

Việt Nam hiện chỉ có khoảng 150 công trình bất động sản xanh được chứng nhận, đã hoàn thiện hoặc đang trong quá trình thiết kế. Trong khi xu hướng này trên thế giới ngày càng lan rộng.

Công trình tòa nhà Forest In The Sky trong khuôn viên Flamingo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc) đi vào hoạt động cuối tháng 7 vừa qua đã được tổ chức IFC - thành viên của Ngân hàng Thế giới trao 5 chứng chỉ quốc tế về công trình xanh.

Đặc biệt, chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) của IFC là hệ thống chứng chỉ tự nguyện mang tính toàn cầu cho công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, đưa đến những giải pháp kỹ thuật xanh, đồng thời có khả năng giảm chi phí đầu tư và dự toán khả năng tiết kiệm của công trình. EDGE được công nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Forest In The Sky mang kiến trúc đột phá với rất nhiều cây xanh và vườn treo.

Sở dĩ Forest In The Sky được công nhận là công trình xanh bởi tòa nhà được thiết kế đột phá, bao phủ bởi hơn 5 vạn cây xanh với hơn 180 vườn treo. Nhìn từ bên ngoài, hầu như không thấy các mảng tường, thay vào đó là các khu vườn xanh nằm trên tất cả các mặt đứng.

Bên cạnh màu xanh của cây, công trình kiến trúc còn dùng nhiều vật liệu thân thiện với môi trường như gạch không nung, vách ngăn làm bằng hợp chất giữa bột xi măng và bột gỗ. Phần mái của công trình phủ nền đất để trồng cây xanh giúp tự làm mát công trình, tiết kiệm năng lượng.

Theo các chuyên gia về xây dựng - kiến trúc, số lượng cây xanh khổng lồ, cùng hệ thống cảm ứng nhiệt, thông gió tự động đã tạo nên vùng “tiểu khí hậu” ôn hòa quanh năm trong mỗi căn biệt thự trên cao mà không tiêu tốn nhiều năng lượng.

Trong thực tế, kiến trúc vườn treo đã và đang được ứng dụng nhiều ở nước ta. Khi quỹ không gian xanh ngày càng bị thu hẹp bởi những khối bê tông cao ốc, các khu vườn treo nhằm mang cây xanh vào bên trong các công trình, tòa nhà cao tầng. Chẳng hạn như công trình Đại học FPT với kiến trúc mô-đun sole, tạo không gian cho cây xanh trên các tầng cao và phòng học của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa.

Trên thế giới, theo tính toán, các công trình xây dựng chiếm tới một phần ba tổng năng lượng sử dụng, thải ra gần một phần tư tổng lượng khí thải CO2 và tiêu thụ tới 12% lượng nước sạch. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, các công trình xanh ngày càng được phát triển tại nhiều quốc gia.

Các công trình không chỉ mang lại cảnh quan tươi mát mà còn giúp tiết kiệm điện, nước cho công trình.

Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh, Việt Nam chậm hơn các nước khác về số lượng công trình xanh, cũng như trong đào tạo, nhận thức. Số lượng công trình đạt chứng chỉ quốc tế năm 2017 chỉ chưa đến 3%.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển Đô thị Việt Nam, tại nước ta hiện chỉ có khoảng 150 công trình đã được chứng nhận cũng như đang trong quá trình thiết kế, thi công. Trong khi đó, quá trình phát triển hạ tầng du lịch ở các đô thị như Đà Lạt, Sa Pa… là minh chứng rõ ràng với nhiều khu rừng bị tàn phá, những công trình kiến trúc có giá trị không được bảo tồn đúng mực. Từ những đô thị có chức năng nghỉ dưỡng, tĩnh lặng và lãng mạn theo kiểu châu Âu, Đà Lạt, Sa Pa đang trở thành thành phố buôn bán xô bồ, bị bê tông hóa.

Theo các chuyên gia, có 3 lý do chính khiến công trình xanh còn chưa phổ biến là chi phí cao, chưa có nhu cầu thực sự từ khách hàng và chưa có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Về phía khách hàng, tiêu chí ưu tiên khi chọn mua bất động sản là cảnh quan môi trường sống như cây xanh, an toàn an ninh, tiện ích, quản lý. Đối với bất động sản nghỉ dưỡng thì yếu tố xanh càng được đặt lên hàng đầu, như xanh về cảnh quan, xanh về thiên nhiên môi trường tự nhiên, xanh về sự quản lý của con người...

Để phát triển được nhiều dự án bất động sản xanh tại Việt Nam, theo các chủ đầu tư, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc chỉ khuyến khích phát triển công trình xanh chung chung thì không có kết quả mà cần có chính sách hỗ trợ cụ thể.

Theo ông Trần Ngọc Chính, một mình doanh nghiệp không thể làm được mà cần sự phối hợp của chính quyền. Nếu chủ đầu tư cam kết xây công trình xanh, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn thân thiện môi trường thì cần được cộng thêm diện tích sàn, hưởng các chính sách ưu đãi. Đây sẽ là bài toán để các nhà đầu tư cân nhắc chọn làm công trình xanh, mang lại lợi ích cho cả chủ đầu tư và cộng đồng.

Hoàng Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/bat-dong-san/viet-nam-qua-it-cac-cong-trinh-xanh-mang-dau-an-rieng-20180731155135537.htm