Việt Nam quyết tâm giảm rác thải nhựa

Năm nay, Chiến dịch 'Làm cho thế giới sạch hơn' được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động và tổ chức trên phạm vi toàn cầu từ ngày 18-20/9 với chủ đề Cùng hành động để thay đổi thế giới. Chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa, làm sạch môi trường biển của Việt Nam cũng góp phần gìn giữ môi trường.

Thu gom rác ven bờ biển (Internet)

Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” do Australia khởi sướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu vào tuần thứ 3 của tháng 9 hằng năm và trở thành sự kiện môi trường quốc tế thường niên, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người thuộc hơn 130 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương.

Ngày 10 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó bao gồm các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam, đặc biệt là mục tiêu Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững (SDG 14).

Thủ tướng Chính phủ đã tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 13 và cùng với lãnh đạo của các quốc gia khác tham dự Hội nghị ra Tuyên bố cấp cao Đông Á về Chống rác thải nhựa trên biển. Việt Nam cũng đã tham dự và cùng với các quốc gia ASEAN ra Tuyên bố Băng-cốc về chống rác thải biển trong khu vực ASEAN và Khung hành động ASEAN về rác thải biển ngày 22 tháng 6 năm 2019.

Đặc biệt, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến các nước G7 thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa. Tại kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF6) diễn ra vào tháng 6 năm 2018 tại Đà Nẵng, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”.

Tháng 6/2019, tại Hà Nội Thủ tướng Chính phủ đã phát động toàn quốc thực hiện Phong trào chống rác thải nhựa. Bên cạnh đó, tại nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế khác, Việt Nam cũng đã tích cực tham gia và đề xuất nhiều sáng kiến có liên quan.

Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Nhật Bản, Thủ tướng nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển - đại dương và tiến tới Khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển vì các đại dương xanh.

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và các cam kết quốc tế của Việt Nam, trong bối cảnh tình hình trên đây, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/viet-nam-quyet-tam-giam-rac-thai-nhua-ymPMvUOMg.html