Việt Nam ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh tiêu chuẩn quốc tế

Ngày 27/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia VNGEONET do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam thực hiện.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được mạng lưới các trạm định vị vệ tinh thu liên tục tín hiệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều ứng dụng thực tiễn

Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam Hoàng Ngọc Lâm cho biết: Đây là một phần của Dự án “Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam” do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện trên phạm vi cả nước, bao gồm phần đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam trong 5 năm (từ năm 2020 đến năm 2024) nhằm mục tiêu xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam.

Dự án cũng đặt mục tiêu đảm bảo cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh mục tiêu tổng quát, Dự án đã đề ra những mục tiêu cụ thể là: xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền với tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 cho khu vực đô thị, khu vực phát triển đô thị, khu chức năng đặc thù, khu vực cần lập quy hoạch phân khu và quy hoạch nông thôn, khu vực đảo, quần đảo, cửa sông, cảng biển; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia với tỷ lệ 1:10.000 và các tỷ lệ nhỏ hơn phủ trùm phần đất liền; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình đáy biển trên vùng biển và hải đảo Việt Nam; tăng cường năng lực trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong công tác cập nhật, quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia.

Dữ liệu từ 65 điểm này được truyền trực tiếp qua mạng internet về Trạm xử lý và Điều khiển Trung tâm tại Hà Nội để xử lý tính toán và cung cấp cho người sử dụng qua mạng internet theo thời gian thực; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và cứu nạn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về Trái Đất.

Mở rộng khả năng khai thác

Tính đến nay, các tổ chức tham gia đăng ký sử dụng dịch vụ của mạng lưới VNGEONET chủ yếu là phục vụ đo đạc, bản đồ cũng như quản lý đất đai. Qua theo dõi số lượng tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ ngày một tăng, đến nay, đã có tổng số gần 600 tài khoản được đăng ký thành công.

Các địa phương hiện đang ứng dụng dịch vụ của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia nhiều nhất phải kể đến Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh…

Tiến sỹ Phan Ngọc Mai, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, cho biết: Dự án “Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam” đem đến khả năng ứng dụng các dịch vụ, tiện ích mà công nghệ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu đem lại cho ngành tài nguyên môi trường nói chung và đo đạc bản đồ nói riêng. Ngoài ra, dự án còn đáp ứng các yêu cầu về định vị độ chính xác cao của các ngành khác như giao thông, xây dựng, nông nghiệp...

Dự án sẽ hình thành mạng lưới các trạm quan trắc thu liên tục số liệu từ các hệ thống định vị toàn cầu hiện có trên thế giới làm cơ sở thống nhất về cơ sở toán học cho số liệu địa lý khu vực và toàn cầu; phục vụ cho việc nghiên cứu, phát hiện kiến tạo hiện đại của vỏ Trái Đất, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ công tác dự báo thời tiết; đưa các hệ thống định vị toàn cầu và vệ tinh định vị toàn cầu rời rạc trên cả nước về cùng một hệ thống thống nhất nhằm tối ưu hóa thiết bị, giảm thiểu đầu tư, mở rộng khả năng khai thác; cung cấp tín hiệu cải chính với độ chính xác cao phục vụ cho tất cả các lĩnh vực ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực đo đạc bản đồ và các ứng dụng khai thác thông tin tọa độ dựa trên nền tảng công nghệ internet.

Hiện nay đã có hơn 280 tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ này. Số lượng thiết bị thường xuyên kết nối sử dụng khoảng 220 thiết bị và chắc chắn sẽ tăng lên khi hệ thống tại khu vực miền Trung và Nam Bộ đi vào hoạt động.

Theo quy hoạch, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam sẽ có khoảng 160 trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh. Ngoài việc ứng dụng trong công tác đo đạc và bản đồ, mạng lưới VNGEONET còn ứng dụng trong việc tính toán, xác định tốc độ chuyển dịch bề mặt kiến tạo mảng cũng như tốc độ trồi, lún của mặt đất đạt độ chính xác cao cỡ mm. Từ đó đưa ra những cảnh báo cũng như giải pháp để khắc phục kịp thời.

Để hoàn thiện các quy định kỹ thuật liên quan đến công nghệ này, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật về sử dụng hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia trong đo đạc và bản đồ và sẽ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trong quý II/2020./.

Hoàng Nam/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/viet-nam-ra-mat-mang-luoi-tram-dinh-vi-ve-tinh-tieu-chuan-quoc-te/143580.html