Việt Nam sẵn sàng mở rộng hợp tác Nam - Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi

Trong 27 năm qua, Việt Nam đã hỗ trợ 12 nước châu Phi về sản xuất lúa gạo và một số nông sản khác. Các dự án nông nghiệp Việt Nam tham gia đã giúp tăng năng suất trồng lúa tại các quốc gia châu Phi lên gấp 2 - 4 lần, góp phần nâng cao đời sống của người châu Phi, giải quyết vấn đề an ninh lương thực…

Chuyên gia Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa tại châu Phi.

Chiều 12/12/2023, tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) đồng tổ chức Hội thảo “Đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi: Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực”. Chuyên gia nông nghiệp từ khắp nơi trên thế giới gặp mặt, trao đổi về chuyển đổi hệ thống hệ thống nông nghiệp châu Phi.

THU HẸP KHOẢNG CÁCH ĐÔNG NAM Á VÀ CHÂU PHI

Tại châu Phi, sản lượng lúa thấp, hạn chế tiếp cận công nghệ tiên tiến, quản lý sau thu hoạch gặp khó khăn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Hợp tác Nam - Nam là sự trao đổi và chia sẻ các giải pháp phát triển, chính sách, công nghệ giữa Việt Nam và các quốc gia ở phía Nam châu Phi. Từ Hội nghị lần thứ nhất về hợp tác Nam - Nam (tại Buenos Aires, 1996), mô hình này giúp kết nối Chính phủ các nước đang phát triển với đối tác tài chính toàn cầu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam - Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho biết trong 27 năm qua, Việt Nam đã hỗ trợ 12 nước châu Phi với nhiều ví dụ thành công ở Guinea, Namibia, Mozambique, Senegal, Benin, Madagascar, Mali, Congo… Các dự án nông nghiệp Việt Nam tham gia đã giúp tăng năng suất trồng lúa từ 2 - 4 lần, góp phần nâng cao đời sống của người châu Phi, giải quyết vấn đề an ninh lương thực trong khu vực.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay Việt Nam đã và đang hướng đến là nhà sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm theo tiêu chí: Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững, một nền nông nghiệp xanh, ít phát thải với mục tiêu hướng đến mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Với tình hữu nghị hơn 50 năm và quá trình học hỏi tích cực, hội thảo "Đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi" sẽ thu hẹp khoảng cách về địa lý, kiến thức, cũng như khác biệt về truyền thống canh tác giữa hai khu vực.

“Với những kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam - Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thịnh vượng”, Bộ trưởng Hoan khẳng định.

TIỀM NĂNG “CÁCH MẠNG HÓA” SẢN XUẤT LÚA GẠO

Giám đốc IRRI khu vực châu Á Jongsoo Shin khẳng định: “Hợp tác Nam - Nam có tiềm năng cách mạng hóa sản xuất lúa gạo ở châu Á và châu Phi. Từ góc nhìn tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế, chúng tôi kêu gọi các quốc gia trao đổi kiến thức, nguồn lực, cách thực hành nông nghiệp tân tiến nhất. Nỗ lực hợp tác sẽ cải thiện an ninh lương thực toàn cầu, xây dựng tương lai bền vững hơn cho hàng triệu người nông dân trồng lúa”.

Ông Oemar Idoe, Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức GIZ (Đức), đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong hợp tác Nam - Nam, những chia sẻ của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với các nước châu Phi.

Theo ông Oemar Idoe, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc về sản xuất lúa gạo, có những những kinh nghiệm lớn về lĩnh vực này có thể chia sẻ với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước châu Phi trong quan hệ hợp tác Nam - Nam. Đây là sự cần thiết bởi vai trò của Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về sản xuất lúa gạo; các nước châu Phi học hỏi được nhiều từ những chia sẻ của Việt Nam trong các mối quan hệ, hợp tác về phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực.

Ông Oemar Idoe: "Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc về sản xuất lúa gạo".

Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức GIZ cho biết nước Đức có mỗi quan hệ lâu dài với Việt Nam về các lĩnh vực biến đổi khí hậu, giáo dục, dạy nghề, nông nghiệp…, trong đó thích ứng và giảm thiếu biến đổi khí hậu luôn là ưu tiên hàng đầu.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ cùng hợp tác nhằm triển khai hỗ trợ các đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài; hợp tác tài trợ của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức, môt dự án thiết lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam (GIC Việt Nam).

Dự án Chuỗi giá trị lúa gạo và xoài được thực hiện tại 6 địa phương (An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ) từ năm 2020 – 2024, GIZ hỗ trợ 20.000 nông hộ sản xuất nhỏ cải thiện được chất lượng sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập từ 15 - 20%; đào tạo và áp dụng các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường cho 12.000 nông hộ.

Mục tiêu của dự án nhằm cải tiến các hệ thống canh tác theo hướng bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động biến đổi khí hậu của 2 chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án cũng cung cấp các giải pháp kỹ thuật và tổ chức trong sản xuất, chế biến và tiếp thị, phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong đó, có thể kể tới việc thúc đẩy các giống lúa có nhu cầu cao, các tiêu chuẩn nông nghiệp cải tiến, tuân thủ an toàn thực phẩm và chứng nhận chất lượng, cung cấp dịch vụ cho các nông hộ nhỏ theo định hướng kinh doanh.

Đồng thời triển khai các sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính và tái chế rơm rạ và trấu; các đổi mới sáng tạo bao gồm cải thiện quản lý vườn cây ăn quả và sức khỏe cây trồng, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Cũng tại Chương trình Đối thoại Nam – Nam chiều 12/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Ý định thư với Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI, có trụ sở tại Philippines) về phối hợp khoa học, kỹ thuật và thể chế trong Hợp tác Nam - Nam (SSC) nhằm hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực.

Theo đó, mục tiêu chung là tăng cường hợp tác giữa các nhà khoa học về lúa gạo của hai bên nhằm thúc đẩy hợp tác Nam - Nam, chia sẻ kiến thức và chuyên môn, và xây dựng năng lực cho các đối tác tại các quốc gia đang phát triển. Các dự án hợp tác giữa hai bên nhằm thực hiện Ý định thư sẽ được xác định sau tham vấn chung giữa hai bên.

Thỏa thuận cụ thể sẽ nêu chi tiết kế hoạch phát triển hợp tác Nam - Nam bao gồm phạm vi, mục tiêu, sản phẩm đầu ra, tác động, kết quả và các hoạt động, quyền vận hành và quyền sở hữu trí tuệ cần thiết để hoàn thành dự án. Ngoài ra, ngân sách và sự đóng góp các nguồn lực bởi mỗi bên tham gia và/hoặc bất kỳ nguồn tài trợ nào sẽ được xác định.

Chương Phượng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-san-sang-mo-rong-hop-tac-nam-nam-de-ho-tro-cac-quoc-gia-chau-phi.htm