Việt Nam sẵn sàng 'nói không' với gỗ bất hợp pháp

Sáng nay (8/5) tại Hà Nội đã diễn ra buổi công bố thông tin về Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, kể từ ngày 1/6 tới, tất cả các loại gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp tại Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Họp báo công bố Hiệp định VPA/FLEGT sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6.

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) và Phái đoàn EU cho biết, Hiệp định VPA/FLEGT đã kết thúc quá trình phê chuẩn và phê duyệt để chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.

Đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ khi vào thị trường EU là tinh thần chính của Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU. Hiệp định VPA/FLEGT được thực thi là dấu mốc khởi đầu việc Việt Nam và EU cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp.

Để thực hiện hiệp định này, Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp. “Điều này có nghĩa là gỗ khai thác bất hợp pháp và các doanh nghiệp mua bán gỗ khai thác bất hợp pháp sẽ không được tham gia chuỗi cung ứng theo quy định của hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam”- đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết.

Theo đó, tới đây mỗi lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ đi kèm với một giấy phép FLEGT.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angenet phát biểu.

EU là thị trường gỗ lớn thứ tư của Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm gỗ sang 28 nước của EU, chủ yếu là sản phẩm gỗ ngoài trời. Những năm gần đây, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này luôn chiếm tỷ trọng 13-17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ. Việt Nam không xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang EU. Tất cả những sản phẩm gỗ xuất sang EU được thực hiện kiểm soát chặt chẽ và không có gỗ tự nhiên.

Hiệp định VPA/FLEGT là hành động mạnh mẽ để hai bên cùng "nói không" với gỗ lậu, chỉ sử dụng gỗ được phép khai thác hợp pháp, bảo vệ môi trường sinh thái, được thúc đẩy thực thi trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam và EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là khi 2 bên đang chuẩn bị ký chính thức Hiệp định thương mại tự do EVFTA.

Tháng 10/2010, Việt Nam và EU đã khởi động tiến trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT. Sau gần 8 năm đàm phán, Hiệp định VPA/FLEGT đã được hai bên ký vào ngày 19/10/2018 tại Brussels.

Trước khi Hiệp định có hiệu lực, mỗi bên cần hoàn thiện các thủ tục phê duyệt hiệp định theo quy định pháp luật của mỗi bên. Về phía Việt Nam, Hiệp định VPA là điều ước quốc tế được ký nhân danh Chính phủ. Về phía EU, Hiệp định VPA cần phải được sự đồng thuận của Nghị viện châu Âu trước khi đệ trình lên Hội đồng châu Âu để phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ NN&PTNT cùng các bộ liên quan đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Hiệp định VPA/FLEGT trong quý I/2019.

Ngày 15/4/2019, Hội đồng Liên minh châu Âu đã gửi công hàm cho Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ thông báo kết thúc quá trình phê chuẩn Hiệp định Hiệp định VPA/FLEGT với Việt Nam sau khi Nghị viện châu Âu chính thức bỏ phiếu phê chuẩn.

Tin, ảnh: Minh Tuệ/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-san-sang-noi-khong-voi-go-bat-hop-phap-20190508112224762.htm