Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020

Sáng 18-11, Họp báo quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020.

Hai thành tố có tính giao thoa

Từ bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng cũng như xuất phát từ các vấn đề đặt ra cho ASEAN, yêu cầu về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, với “gắn kết”, Việt Nam mong muốn củng cố đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức Cộng đồng và bản sắc ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm. "Khái niệm “gắn kết” đã được đề cập trong các văn kiện nền tảng của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, bao gồm gắn kết về chính trị, gắn kết về kinh tế, gắn kết về xã hội. Trong bối cảnh ASEAN đang chịu các tác động phức tạp đa chiều từ bên ngoài và đứng trước nhu cầu phát triển, liên kết sâu rộng của chính ASEAN, nội hàm “gắn kết” ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với Cộng đồng ASEAN”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 chủ trì cuộc họp báo.

Trong khi đó, với “Chủ động thích ứng”, Việt Nam mong muốn nâng cao năng lực của ASEAN để có thể thích ứng một cách có chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, trước các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia...; đồng thời nâng cao khả năng tận dụng các cơ hội và hạn chế các thách thức do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đem lại. “Chủ động thích ứng là một trong những nội hàm của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, lần đầu tiên được đưa vào chủ đề Năm ASEAN nhằm phản ánh nhu cầu nâng cao tính chủ động, sáng tạo, sự chuyển biến và khả năng vươn lên mạnh mẽ hướng về phía trước của ASEAN”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nêu rõ “gắn kết” và “Chủ động thích ứng” là hai thành tố có tính giao thoa, hỗ trợ chặt chẽ. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển thì mới có thể chủ động thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài. Ngược lại, chủ động thích ứng giúp ASEAN trở thành một khối gắn kết chặt chẽ.

5 ưu tiên

Với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên.

Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết thống nhất trong ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình ảnh và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của CMCN 4.0. Theo đó, liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số, các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế, hiện đại hóa nền hành chính công, xây dựng môi trường xanh...

Ba là, thúc đẩy ý thức Cộng đồng và bản sắc ASEAN, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN cho cộng đồng quốc tế, mở rộng và nâng tầm quan hệ với các đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.

Năm là, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN. Theo đó, cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN từ ngày 1-1-2020. Có khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau được tổ chức trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Đây là năm có nhiều ý nghĩa với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. 2020 là năm bản lề cho việc kiểm điểm giữa kỳ thực hiện các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015-2025. Với Việt Nam, 2020 là mốc đánh dấu 25 năm gia nhập ASEAN. Đồng thời, từ năm 2020, Việt Nam cũng bắt đầu đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. “Do vậy, Việt Nam xác định vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm rất to lớn, quan trọng, đồng thời chúng tôi cũng nhìn thấy cơ hội đem lại cho Việt Nam. Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở kế thừa các kết quả đã đạt được của các Chủ tịch ASEAN những năm trước và phát huy những kinh nghiệm nhất định của Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước cũng như kinh nghiệm tổ chức các hội nghị lớn trước đây”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định.

Tại họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng cho biết qua cuộc thi thiết kế logo vào tháng 4-2019, Việt Nam đã lựa chọn được logo cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Các yếu tố như chủ đề, bản sắc chung của ASEAN, đặc trưng văn hóa của Việt Nam đều đã được tính đến và thể hiện trong logo. Dự kiến cuối tháng 11-2019, Việt Nam sẽ tổ chức lễ công bố logo và khai trương website chính thức của Năm ASEAN 2020.

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/viet-nam-se-danh-quyet-tam-va-uu-tien-cao-nhat-nham-thuc-hien-thanh-cong-trong-trach-chu-tich-asean-2020-602837