Việt Nam sẽ phải nhập than để làm điện

- Trả lời báo giới sau khi một loạt ĐBQH đòi truy trách nhiệm ngành điện đã "phá hợp đồng" với khách hàng khi cắt điện triền miên, tại phiên thảo luận về KT-XH ngày 27/5, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nói những khó khăn hiện nay của ngành điện "phần lớn do khách quan". Ông đồng thời cảnh báo sẽ phải nhập khẩu than.

>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu Chỉ sợ không công bằng Bộ trưởng nghĩ sao khi hiện nay tình trạng thiếu điện vẫn diễn ra nghiêm trọng? Chưa năm nào chúng ta chịu tình cảnh sản xuất điện như những năm gần đây, luôn có hạn hán và nóng kéo dài. Mực nước các hồ thủy điện thấp nhất cùng kỳ hàng năm, thường chỉ đạt 50 - 60% . Trong khi nước của chúng ta đã ít mà đầu năm chúng ta đã phải xả để phục vụ cho tưới nông nghiệp, nếu không, chắc chắn là tình hình ngành điện sẽ khá hơn. Tuy nhiên, tôi rất mừng vì dù thiếu điện như vậy nhưng nhân dân cả nước có sự thông cảm với ngành điện. Nếu từ tháng 6 trở đi, tình hình nước vào mùa mưa được cải thiện hơn thì chúng ta có thể giảm được những khó khăn về điện. Vì vậy, tôi xin nhấn mạnh rằng khó khăn của ngành điện năm nay hoàn toàn phần lớn là do khách quan. - Nhưng đại biểu Quốc hội lại phàn nàn về thái độ chủ quan của ngành điện là chính? Chúng tôi đã đi kiểm tra và thấy rằng cũng không thể tránh khỏi có chỗ này, chỗ kia, cá nhân hoặc một vài đơn vị có thái độ ứng xử chưa phù hợp, làm người dân bức xúc. Tôi cũng nghĩ rằng, nhân dân không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng, không minh bạch, và những hiện tượng đó phản ánh rõ ràng không minh bạch. Chúng tôi đã kiểm điểm và yêu cầu ngành điện phải nghiêm túc khắc phục. Đồng thời, chúng tôi cũng đang chỉ đạo ngành điện nhanh chóng khắc phục bằng các cách như đưa vào hoạt động những nguồn điện mới theo đúng tiến độ. Thứ hai, huy động tất cả nguồn điện có thể sử dụng được, kể cả nguồn điện có giá rất cao. Ví dụ chạy dầu, diezel, giá thành lên đến 3.000 - 4.000 đồng/kwh, trong khi giá bán chỉ là 1.035 đồng. Thứ ba, sửa chữa những thiết bị hỏng để đưa vào hoạt động; vừa rồi chúng ta có đưa vào hoạt động một số nhà máy điện đang ở trong giai đoạn đầu nên có một số trục trặc vẫn thường xảy ra như là nhà máy điện ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Sơn Động trên Bắc Giang. Và tôi cũng nghĩ trong tình hình hiện nay chúng ta tăng cường cuộc vận động “sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và tiết kiệm” thì cũng có thể giảm bớt được khó khăn. Sẽ phải nhập khẩu than - Có câu chuyện liên quan đến các nguồn năng lượng cho sản xuất điện, trong đó có năng lượng tái tạo và không tái tạo, Bộ Công thương quan tâm đến vấn đề này như thế nào? Hiện nay, các nguồn năng lượng không tái tạo như than của chúng ta ngày càng cạn kiệt. Khoảng vài chục năm tới, nếu không có những phát hiện mới thì rất khó khăn cho việc khai thác để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong đó có nhu cầu phát điện. Chúng ta đã có những chương trình dài hạn về xuất khẩu than. Theo đó, đến khoảng năm 2015, nhu cầu sử dụng than rất lớn khi các nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động thì chúng ta không xuất khẩu được than. Chúng ta sẽ phải nhập khẩu, đó là bức tranh có thể hình dung đến hiện nay. Tuy nhiên, ngành than có đặc thù là có những loại than có chất lượng rất tốt mà chúng ta sử dụng trong nước thì lãng phí. Chất lượng cao sản sinh lượng nhiệt lớn và có giá cao thì chúng ta có thể tiếp tục xuất nhưng đồng thời, chúng ta nhập những loại than có chất lượng thấp hơn mà phù hợp với tốc độ tiêu thụ trong nước như nhà máy điện, xi măng... Cao Nhật - Nguyễn Sang ghi

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201005/Viet-Nam-se-phai-nhap-than-de-lam-dien-912795/