Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G vào 2020: 'Không có gì quá tham vọng'

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương sẽ cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020 sẽ bắt đầu thương mại hóa 5G. Kế hoạch này liệu có quá tham vọng? Việt Nam đã hội tụ đủ các yếu tố cho phát triển 5G? Cần chuẩn bị những gì cho mục tiêu này?...Tốc độ tiếp cận 5G của Việt Nam được đánh giá là đang vượt xa so với rất nhiều quốc gia khác...

Bà Susie Armstrong (trái), Phó chủ tịch cấp cao về Công nghệ của Qualcomm.

VnEconomy và báo giới đã đặt những câu hỏi trên tới bà Susie Armstrong, Phó chủ tịch cấp cao về Công nghệ của Qualcomm – một trong những hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới và công ty đi tiên phong phát triển công nghệ mạng 5G, bên lề một tọa đàm về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Bà Susie Armstrong nói:

- Lần thứ hai này đến Việt Nam tôi vô cùng ấn tượng với định hướng phát triển ứng dụng triển khai 5G tại Việt Nam cũng như năng lực nội tại trong nước và năng lực của các nhà mạng viễn thông, của các nhà sản xuất, như nhà sản xuất thiết bị mạng, sản xuất thiết bị cơ sở hạ tầng, sản xuất thiết bị đầu cuối gồm điện thoại và thiết bị IoT (Internet of Things).

Tôi đã làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng khi đến Việt Nam thì thấy tốc độ tiếp cận công nghệ nói chung và 5G nói riêng của Việt Nam đang vượt xa so với rất nhiều quốc gia khác.

Không quá tham vọng

Bà có thể nói cụ thể hơn?

Tôi đến Việt Nam lần đầu hai năm trước nhưng chỉ sau hai năm khi quay lại tôi đã thấy Việt Nam có sự thay đổi rất ấn tượng, ở cả quan điểm của cơ quan hoạch định chính sách nhà nước và sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghiệp trong nước như phát triển thiết bị cho 5G, phát triển công nghệ ôtô tự lái… những thứ đó đang diễn ra rất nhanh chóng.

Tại Việt Nam, tiến trình ứng dụng 5G rất nhanh, theo tôi nhanh hơn Hoa Kỳ, và nhanh hơn cả Nhật Bản. Đây là cơ hội rất lớn. Việt Nam đang có ứng dụng cụ thể trong các ngành kinh tế, chẳng hạn như lĩnh vực đô thị thông minh, thành phố thông minh… Trong những lĩnh vực đó thì IoT sẽ trở thành một công cụ chiến lược để nắm bắt cơ hội, tạo ra những mô hình kinh doanh và ngành kinh doanh mới.

Lúc ở tọa đàm, tôi ngồi cạnh anh Quảng ở Bkav (ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav - PV), anh ấy có cho tôi xem điện thoại Bphone 3 do Bkav sản xuất, thì, chiếc điện thoại thông minh này không chỉ đẹp, hấp dẫn mà nó còn là tiền đề để hỗ trợ cho việc ứng dụng nhiều ngành kinh tế khác nhau.

Nhưng kế hoạch của Việt Nam là 2019 sẽ thử nghiệm, 2020 sẽ triển khai thương mại – tương đương cùng thời điểm với số ít nước triển khai 5G, mà đều là những nước phát triển, thì liệu kế hoạch này của Việt Nam có quá tham vọng không?

Không hề tham vọng vì tôi thấy ở Việt Nam có rất nhiều đam mê khát vọng và tài năng, đó là điều kiện tiên quyết.

Thứ hai là những yếu tố cần thiết về phân bổ tần số, cơ sở hạ tầng, khả năng liên thông hoạt động và thiết bị, thì tất cả những yếu tố đó Việt Nam đều có thể làm chủ được và do đó, khung thời gian như vậy thì không có gì quá tham vọng cả.

Với kế hoạch như trên của Việt Nam, so với các quốc gia đi tiên phong về triển khai 5G trên thế giới, thì Việt Nam cũng đang nằm trong top đầu.

Mô hình kinh doanh hoàn toàn mới

Nhưng, ngay như bản thân lãnh đạo các nhà mạng của Việt Nam cho biết hiện nhu cầu tiêu thụ data 4G còn rất ít, trong khi 5G là "cuộc chơi về data", như vậy liệu có sợ bị lãng phí không?

Từ quan điểm của nghề thiết kế và phát triển thì 5G mang lại rất nhiều ứng dụng tiềm năng khác nhau, không chỉ là kết nối thoại và dữ liệu như 4G. 5G với độ trễ thấp, dung lượng lớn và thời gian đáp ứng nhanh, sẽ tạo ra rất nhiều ứng dụng trong nhiều ngành kinh tế khác nhau. Do vậy, công nghệ 5G không đơn thuần là kết nối thoại và dữ liệu giống như 4G.

4G hiện tại cho dù dung lượng vẫn thừa nhưng nó chỉ hỗ trợ hai mô hình ứng dụng thông thường là data và voice, nhưng 5G sẽ hỗ trợ rất nhiều ứng dụng khác nhau, IoT chẳng hạn, đô thị thông minh, y tế thông minh… Mô hình kinh doanh 5G là hoàn toàn khác.

Như bạn thấy, lãnh đạo các nhà mạng Việt Nam cũng nói về tầm nhìn của nhà mạng về ứng dụng công nghệ như thực tại ảo (virtual), xem bóng đá… những mô hình mới như vậy thì tốc độ 5G và 4G trải nghiệm là rất khác biệt. Như vậy, 5G không chỉ là được xây dựng cho những ứng dụng hiện nay đang dùng smartphone mà có nhiều ứng dụng mới. Ví dụ ôtô tự lái thì tiêu thụ dữ liệu sẽ gấp 70 lần so với điện thoại smartphone.

Thứ hai là giá thành trên 1GB của 5G thấp hơn rất nhiều so với 4G, dự báo thấp hơn 10 lần. Nên với những ứng dụng data lớn thì mạng 5G sẽ tạo điều kiện cho nhà mạng tăng lợi thế.

Và thứ ba, khi có những ứng dụng về IoT thì bắt buộc phải có 5G vì có những tính năng như độ trễ thấp… có nhiều ứng dụng về IoT, thì cần những tính năng của 5G mới sử dụng được.

Để triển khai 5G thành công cần những yếu tố gì?

Với kế hoạch và lộ trình triển khai 5G rất gần như vậy, vậy theo bà Việt Nam cần chuẩn bị những gì và những yếu tố gì có tính tiên quyết để đảm bảo việc triển khai 5G được thành công?

Về mặt công nghệ và kỹ thuật thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng, khả thi thực hiện thử nghiệm năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020. Như ở trên tôi có nói, khi xem chiếc điện thoại Bphone 3 của anh Quảng tôi rất ấn tượng về năng lực kỹ thuật ở Việt Nam. Về mặt kỹ thuật và công nghệ như vậy thì hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì cần có các chính sách của nhà nước, phải hiệu quả để hỗ trợ việc triển khai 5G.

Còn để Việt Nam triển khai 5G thành công thì toàn bộ hệ sinh thái di động đã sẵn sàng. Theo đó, bước đầu tiền là phải có chiến lược về băng tần cho 5G. Băng tần 5G khác với 3G, 4G - là phải có băng tần trên cao, băng tần trung hoặc thấp. Chiến lược về băng tần phải sẵn sàng trong việc thử nghiệm và triển khai thương mại.

Thứ hai là các nhà mạng cần phải có kế hoạch chiến lược trong việc thiết kế, xây dựng hạ tầng 5G cùng với kế hoạch kinh doanh, những phân khúc thị trường mà 5G nhắm tới và các chiến lược triển khai bởi khi triển khai 5G việc cân đối với hạ tầng hiện nay, 4G và các công nghệ khác như thế nào, thì nhà mạng phải có chiến lược và phải có thử nghiệm.

Phần thứ ba rất quan trọng cho việc triển khai 5G của Việt Nam là sự sẵn sàng của các thiết bị đầu cuối. Yếu tố này liên quan đến Qualcomm và hiện chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối và giữa 2019 sẽ có nhiều hãng điện thoại đưa ra những chiếc điện thoại 5G.

Khi ba yếu tố trên chạy song song và bình ổn thì việc triển khai 5G tại Việt Nam sẽ đúng được tiến độ như kế hoạch vào năm 2020 là có mạng 5G thương mại.

Thủy Diệu

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/viet-nam-se-thuong-mai-hoa-5g-vao-2020-khong-co-gi-qua-tham-vong-20181115155921361.htm