Việt Nam sửa đổi luật để phù hợp với Hiệp định CPTPP

Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1 vừa qua. Việc sửa đổi pháp luật Việt Nam để phù hợp với Hiệp định CPTPP là một trong những điều đáng lưu ý.

Ngày 5/4, Bộ Công Thương tổ chức buổi họp báo thường kỳ Quý I/2019, trong đó có nêu những kế hoạch và tình hình triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Chính phủ. Mục tiêu chính của việc Ban hành Kế hoạch của Chính phủ là đảm bảo các cam kết của Hiệp định CPTPP được thi hành một cách đầy đủ, nhất quán giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương.

Theo thông tin được Bộ Công Thương đưa ra tại buổi họp báo, tình hình sửa đổi pháp luật đang được tích cực triển khai. Cụ thể, đối với việc rà soát, sửa đổi pháp luật để phù hợp với Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTTP, có hiệu lực từ ngày 8/3. Mặc dù được ban hành sau thời điểm Hiệp định CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam nhưng Thông tư có các điều khoản quy định về chuyển tiếp cho phép doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi về thuế theo hiệp định này.

Buổi họp báo thường kỳ Quý I của Bộ Công Thương nêu lên những kế hoạch và tình hình triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP chủa Chính phủ. (Ảnh: L.N)

Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính trong việc xây dựng bộ hồ sơ dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Hiện tại, Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.

Việc xây dựng, hoàn tất các văn bản ở cấp Nghị định và Thông tư trong lĩnh vực cạnh tranh và phòng vệ thương mại hướng dẫn thực hiện Hiệp định CPTPP, Nghị định quy định về biểu thuế xuất nhập khẩu thực thi Hiệp định CPTPP cũng đang được khẩn trương xây dựng.

Kể từ khi chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, Hiệp định CPTPP đã và đang mở ra nhiều cơ hội đối với các doanh nghiệp. Điển hình như, Việt Nam có cơ hội về cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hương thông thóng, minh bạch và dễ dự đoán hơn. Việt Nam còn có cơ hội đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại với các nước CPTPP, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt là với các sản phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh.

Ngoài ra, cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu cũng rõ nét. Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và cách nước CPTPP đạt hơn 74 tỷ USD. Với quy mô này, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khi chuỗi cung ứng mới hình thành, là điều kiện để nâng tầm trình độ phát triển của kinh tế, tăng năng suất lao động.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đối mặt với một số thách thức có thể kiểm soát. Về kinh tế, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, canh tranh lại chính là động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới, sáng tạo, đồng thời tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Các cam kết nhiều lĩnh vực toàn diện của các Hiệp định này cũng đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, các quy định trong nước liên quan của Việt Nam cho phù hợp với các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, cơ bản những sửa đổi, điều chỉnh này phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Việt Nam.

L.N

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-sua-doi-luat-de-phu-hop-voi-hiep-dinh-cptpp-91376.html