Việt Nam tái khẳng định cam kết phòng chống kháng thuốc

Ngày 21/11, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc của Việt Nam và các đối tác quốc tế gồm tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) đã tổ chức họp báo về quản lý sử dụng kháng sinh cho tương lai với chủ đề 'Không lạm dụng - Không dùng sai chỉ định'.

Ảnh họp báo. Ảnh:VGP/Hiền Minh

Ảnh họp báo. Ảnh:VGP/Hiền Minh

Phát biểu tại buổi họp báo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, kháng thuốc là mối đe dọa thường trực đối với an ninh y tế công cộng tại Việt Nam. Kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi, đặc biệt báo động hơn khi nó đang xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái.

Mặc dù từ năm 2013, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng hệ thống quản lý kháng sinh tuy nhiên đến nay vẫn chưa có con số thống kê các chỉ số kháng kháng sinh tại Việt Nam. Thực tế tình trạng mua - bán, sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi đã và đang diễn ra và Việt Nam hiện là một trong những nước mua, bán kháng sinh dễ dàng nhất mà không cần đơn của bác sĩ.

TS Albert T.Lieberg, Trưởng đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam cũng cho biết, kháng sinh không phải lúc nào cũng là câu trả lời cho các bệnh truyền nhiễm ở động vật, do vậy, người chăn nuôi, người bán thuốc và ngay cả bác sĩ thú y cần có hiểu biết hơn về những nguy cơ do kháng thuốc gây ra và sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Việc này không chỉ bảo vệ sức khỏe của động vật và con người mà còn duy trì tính hiệu quả lâu dài của kháng sinh để điều trị các bệnh ở động vật.

Ông Lieberg cũng khuyến cáo chúng ta hoàn toàn có thể chăn nuôi động vật khỏe với năng suất cao bằng cách áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi tốt, các biện pháp an toàn sinh học hiệu quả và có kế hoạch tiêm phòng đầy đủ.

Để tăng cường và phối hợp hành động tốt hơn trong cuộc chiến chống kháng thuốc, thời gian qua, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đánh giá lại kế hoạch hành động Quốc gia về kháng thuốc để đảm bảo sự hợp tác điều phối giữa các ban ngành nhằm xây dựng kế hoạch hành động cho các năm tới. Đặc biệt, các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam cũng tái khẳng định cam kết, tăng cường nỗ lực trong phòng chống kháng thuốc.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam và TS Albert T.Lieberg, Trưởng đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực phòng chống kháng thuốc.

“Trong những năm tới, WHO sẽ tập trung củng cố vai trò của các cán bộ y tế trong cuộc chiến chống lại việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích. Chúng tôi rất hoan nghênh việc Tổng hội Y học Việt Nam đã trở thành đối tác mới của chúng tôi để thực hiện việc giáo dục và khuyến khích bác sĩ và dược sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý”, TS Park cho biết.

Cũng tại sự kiện này, WHO và VMA đã ra tuyên bố chung để khẳng định cam kết của mình sẽ hợp tác trong việc phòng chống kháng thuốc.

Ngay sau buổi họp báo, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, tổ chức FAO và WHO đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ truyền thông toàn cầu về kháng thuốc trên toàn thế giới.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm có hàng trăm ngàn người tử vong do kháng thuốc và phải chi trả hàng chục tỷ USD cho kháng thuốc. Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của tổ chức WHO được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi do kháng thuốc.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/viet-nam-tai-khang-dinh-cam-ket-phong-chong-khang-thuoc/380673.vgp