Việt Nam tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số thông thạo Anh ngữ

Việt Nam xếp thứ 58/113 trong bảng xếp hạng độ thông thạo tiếng Anh của người trưởng thành toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Toàn cảnh buổi công bố Chỉ số thành thạo tiếng Anh toàn cầu năm 2023.

Ngày 11/12, Tổ chức giáo dục quốc tế Education First (EF) công bố bảng xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh EF EPI ở 113 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ số này được EF công bố thường niên từ năm 2011 đến nay, dựa trên dữ liệu được phân tích từ các bài kiểm tra do EF tổ chức trên quy mô toàn cầu.

Trong số này, 12 nơi có chỉ số tiếng Anh ở mức thông thạo rất cao (600-800 điểm), 18 nơi thông thạo cao (550-599 điểm), 33 nơi ở mức trung bình (500-549 điểm), 27 thấp (450-499 điểm) và 22 ở mức rất thấp (dưới 450 điểm).

Việt Nam đạt 505 điểm, cao hơn năm ngoái và điểm trung bình thế giới năm nay ba điểm, tiếp tục trong nhóm có độ thông thạo tiếng Anh trung bình trên thế giới. Cách đây hai năm, Việt Nam chỉ đạt 486 điểm, bị xếp vào nhóm có mức độ thông thạo tiếng Anh thấp.

Khu vực thông thạo Anh ngữ hàng đầu tại Việt Nam là Đồng bằng sông Hồng, trong đó thành phố Hà Nội có chỉ số cao hơn cả (538). Nhóm tuổi 26-30 sử dụng tiếng Anh tốt nhất cả nước. Chỉ số thạo tiếng Anh của nam giới Việt Nam là 513, cao hơn nữ giới (498).

Trong báo cáo năm nay, mức độ thông thạo tiếng Anh của người Việt đã tăng 9 điểm, xếp thứ 7 trong khu vực Châu Á, cao hơn điểm số của Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang xếp vị trí thứ 4, chỉ sau Singapore, Philipines và Malaysia.

Hạng nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số thành thạo tiếng Anh toàn cầu năm 2023 thuộc về Hà Lan với 647 điểm. Tiếp theo là Singapore, Áo, Đan Mạch, Na Uy.

Bảng xếp hạng 113 quốc gia.

Theo đánh giá của EF, trình độ tiếng Anh trung bình ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á giảm nhẹ, do trình độ tiếng Anh giảm dần ở Ấn Độ và chững lại ở Thái Lan.

Khả năng sử dụng tiếng Anh của người trưởng thành ở Đông Á cũng giảm sút trong vòng 4 năm qua, do khoảng cách chính trị, chuyển đổi dân số và nghi vấn về tầm ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đối với giáo dục.

Ngoài xếp hạng, EF đánh giá một số xu hướng sử dụng tiếng Anh trên thế giới. Cụ thể, trong suốt thập kỷ qua trên toàn cầu, trình độ tiếng Anh của nam giới đã được cải thiện, trong khi ở phụ nữ lại giảm nhẹ. Thế hệ trẻ ở một số quốc gia dùng tiếng Anh kém đi do gián đoạn trong thời đại dịch, trong khi những người trong độ tuổi lao động sử dụng tiếng Anh ngày càng tốt.

Minh Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/viet-nam-tang-2-bac-trong-bang-xep-hang-chi-so-thong-thao-anh-ngu-post664320.html