Việt Nam tăng nhiều chỉ số đổi mới sáng tạo

Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu năm 2020 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố chiều 2/9 cho thấy Việt Nam duy trì được thứ hạng thứ 42 từ năm 2019 song nhiều chỉ số có mức tăng khá.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Đứng đầu nhóm nước có thu nhập trung bình thấp

Năm nay Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế (năm 2019 là 42/129). Với thứ hạng này Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. So với năm 2019, chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc. Chỉ số hợp tác viện trường, doanh nghiệp tăng 10 bậc. Chỉ số công bố bài báo khoa học và kĩ thuật tăng 13 bậc. Năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc. Trong nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo Việt Nam tiếp tục tăng 1 bậc.

Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên hợp quốc (GII) năm nay liệt kê năng lực cạnh tranh của 131 nền kinh tế. Nó dựa trên 80 tiêu chí được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của LHQ (WIPO), Trường Kinh doanh INSEAD và trường Đại học Cornell phối hợp biên soạn. Đứng đầu trong nhóm thu nhập trung bình thấp, Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong năm thứ hai liên tiếp - tăng từ vị trí 71 vào năm 2014.

Những năm qua, Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Nhưng nước ta luôn thu được nhiều kết quả đổi mới ở nhóm chỉ số đầu ra hơn so với đầu vào. Việt Nam cũng thuộc top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian. Việt Nam xếp thứ nhất trong nhóm 29 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp.

Cũng giống như năm ngoái, Thụy Sĩ đứng đầu GII năm 2020 - đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp trên “ngôi vương”, tiếp theo là Thụy Điển và Mỹ. Thụy Sĩ luôn đạt được điểm cao về số lượng bằng sáng chế được nộp, sức mạnh của lực lượng lao động, các trường đại học, các bài báo khoa học được xuất bản và hiệu quả hoạt động của chính phủ.

Công bố bảng xếp hạng ngày 2/9, Tổng Giám đốc WIPO, ông Francis Gurry đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc khôi phục nền kinh tế mỗi nước nói riêng và thế giới nói chung đã bị đại dịch Covid-19 tàn phá.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Trong đánh giá của WIPO, đổi mới sáng tạo được hiểu theo nghĩa rộng. Nó không chỉ dựa trên nghiên cứu, phát triển mà bao trùm cả trong tổ chức, thị trường. Cách tiếp cận này của tổ chức WIPO thể hiện quan điểm năng lực đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia có liên hệ mật thiết với trình độ phát triển và hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia đó và sự kết nối với các quốc gia/nền kinh tế khác.

Chú trọng cải thiện giáo dục đại học

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy cho rằng, để cải thiện năng lực ĐMST quốc gia, Việt Nam cần chú trọng các yếu tố đầu vào và đầu ra của ĐMST. Theo đó, cần tập trung cải thiện các chỉ số còn có thứ hạng thấp và chưa có chuyển biến tích cực trong nhiều năm. Đó là các vấn đề như tạo thuận lợi giải quyết phá sản doanh nghiệp, chi phí sa thải nhân công. Tạo điều kiện thuận lợi cho khởi sự kinh doanh. Cải thiện chất lượng các quy định pháp luật.

Xây dựng, trọng dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật mạnh nhằm cải thiện nguồn nhân lực cho ĐMST, nhất là cải thiện giáo dục đại học. Trong đó, cần quan tâm đầu tư, phát triển các trường đại học theo định hướng nâng cao chất lượng. Tăng hàm lượng nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Cải thiện các chỉ số tỷ lệ tuyển sinh đại học, sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ thuật, tỷ lệ sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông.

Theo KH&CN, chỉ số GII là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực ĐMST của các quốc gia và các nền kinh tế. Phương pháp đánh giá được hoàn thiện qua các năm và là hệ quy chiếu toàn diện nhất để đánh giá năng lực ĐMST của các quốc gia và các nền kinh tế hiện nay. Việc giữ vững thứ hạng là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của Việt Nam, cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy ĐMST, bao gồm cả chính sách đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Việt Nam có xu hướng tăng dần về thứ hạng chỉ số GII qua các năm. Điều đó khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy ĐMST. Việt Nam cần nỗ lực để nâng cao về chất thay vì về lượng. Cụ thể như tăng cường cho đầu tư nghiên cứu và phát triển. Gia tăng hàm lượng nội địa hóa trong xuất khẩu công nghệ cao.

Ngoài ra, cần cải thiện kết quả ở những trụ cột về cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, trình độ kinh doanh. Thúc đẩy các chính sách để thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài để nâng cao năng lực trong nước. Giữ vững đà tăng trưởng về chất lượng của các hoạt động nghiên cứu và đào tạo nâng cao. Tiếp tục tích hợp và áp dụng các kế hoạch, chiến lược sở hữu trí tuệ đáp ứng nhu cầu và chính sách trong nước. Đầu tư thích đáng cho nghiên cứu và phát triển nói chung. Từ đó mới có đột phá về kết quả đầu ra như số lượng đăng ký sáng chế và các tài sản trí tuệ khác góp phần nâng cao chất lượng của ĐMST.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/viet-nam-tang-nhieu-chi-so-doi-moi-sang-tao-glhQ72DMg.html