Việt Nam tham dự Hội thảo quốc tế về Phật giáo tại Ấn Độ

Từ ngày 8-9/2 tại thành phố Bhubaneswar, bang Odisha, miền Đông Ấn Độ đã diễn ra Hội thảo quốc tế có chủ đề 'Phật giáo: Vai trò kết nối văn hóa, cầu nối xã hội và nguồn gốc hòa bình quốc tế' do Đại học Utkal phối hợp với Đại học Jawaharlah Nehru (JNU) và Viện nghiên cứu Ấn Độ-Thái Bình Dương (KIIPS) tổ chức.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toan (thứ ba từ phải sang), Giám đốc sáng lập Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội thảo. Ảnh: Huy Lê

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toan (thứ ba từ phải sang), Giám đốc sáng lập Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội thảo. Ảnh: Huy Lê

Chủ trì Hội thảo có Giáo sư Soumendra Mohan Patnaik, Hiệu phó trường Đại học Utkal; khách mời danh dự Giáo sư, Tiến sĩ Chintamani Mahapatra, Hiệu trưởng Đại học JNU; cùng nhiều học giả từ đến từ Australia, Bỉ, các học giả Ấn Độ đến từ các trường đại học Utkal, JNU, Shantiniketan (Kolkata)… Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toan, Giám đốc sáng lập Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham dự hội thảo. Hội thảo nhằm mục đích tìm hiểu và phân tích những giá trị của Phật giáo có thể được khai thác nhằm kết nối các nền văn hóa, xã hội và các quốc gia để thúc đẩy hòa bình thế giới.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Giáo sư Patnaik nhấn mạnh giá trị của Phật giáo trong lịch sử và thời hiện đại. Dưới thời Hoàng đế Asoka, Phật giáo đã được truyền bá xa hơn vùng thung lũng sông Hằng, vượt ra ngoài biên giới Ấn độ. Song ý nghĩa trọng đại hơn đối với đất nước Ấn Độ ngày nay là việc Hoàng đế Asoka đã đặt nền tảng vững chắc cho một cơ chế dân chủ yêu chuộng hòa bình cao cả.

Nhiều tham luận của các học giả quốc tế đều hướng đến giá trị kết nối văn hóa của Phật giáo cũng như những ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống xã hội cũng như chính trị ngày nay.

Trong tham luận của mình, PGS.TS. Lê văn Toan nhấn mạnh 4 làn sóng giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt Nam-Ấn Độ gồm: sự giao lưu, tiếp biến Phật giáo những năm đầu Công nguyên ở Miền Bắc Việt Nam; sự giao lưu, tiếp biến đạo Hinđu (Ấn Độ giáo) ở Miền Trung Việt Nam; sự giao lưu, tiếp biến Đạo Bà la môn ở Miền Nam Việt Nam; sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, tư tưởng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Lãnh tụ Mahatma Gandhi và cựu Thủ tướng Jawaharlal Nehru.

Trong 4 lần giao lưu đó, giao lưu Phật giáo là lần giao lưu đầu tiên. Giáo sư Toan nhấn mạnh những tư tưởng cốt lõi của Phật giáo như hòa bình, không bạo động, khoan dung, từ bi, hỉ xả... là những tư tưởng mà loài người luôn khát vọng truy cầu. Ở đâu thực hiện tốt những tư tưởng này thì ở đó có thanh bình. Chính vì vậy mà Phật giáo sẽ luôn đồng hành cùng các dân tộc khát vọng hòa bình trên thế giới. Giáo sư Lê văn Toan đã trả lời một số câu hỏi của các học giả về sự nhập thế của Phật giáo, vai trò của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội thảo cũng đã nghe và trao đổi nhiều vấn đề với các học giả Ấn Độ, Australia, Bỉ về vai trò kết nối văn hóa, cầu nối xã hội và nguồn gốc hòa bình thế giới của Phật giáo.

Huy Lê - Minh Luyến (P/v TTXVN tại Ấn Độ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-tham-du-hoi-thao-quoc-te-ve-phat-giao-tai-an-do-20200209205908046.htm