Việt Nam - thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế

Sự đóng góp tích cực và hiệu quả trong suốt hơn 40 năm qua kể từ khi tham gia Liên hợp quốc đã minh chứng Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của tổ chức lớn nhất hành tinh này cũng như cộng đồng quốc tế.

Bệnh viện dã chiến Việt Nam sẽ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ đầu tháng 10 tới tại Sudan

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ). Các phiên thảo luận này bắt đầu từ ngày 24-9 và diễn ra trong 9 ngày làm việc với hàng trăm phát biểu, thảo luận của lãnh đạo các quốc gia với chủ đề nổi bật của khóa họp năm nay là “Làm cho Liên hợp quốc gắn kết với tất cả người dân: Vai trò lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm vì xã hội hòa bình, công bằng, bền vững”.

Tham dự diễn đàn ngoại giao đa phương lớn nhất toàn cầu thường niên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng lãnh đạo cấp cao 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thảo luận, đề xuất các biện pháp hữu hiệu để xử lý các thách thức toàn cầu đối với an ninh và phát triển, cũng như các biện pháp làm cho Liên hợp quốc phục vụ tốt hơn, thiết thực và hiệu quả hơn lợi ích của mọi quốc gia, mọi người dân.

Thông điệp mạnh mẽ mà người đứng đầu Chính phủ nước ta nêu rõ tại diễn đàn đa phương này là “Việt Nam là một thành viên tích cực, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cam kết làm hết sức mình, trong khả năng và điều kiện cho phép để đóng góp hiệu quả hơn nữa vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, vì một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển; một trật tự chính trị và kinh tế quốc tế công bằng, dân chủ và dựa trên luật lệ”.

Những nội dung cốt lõi trong thông điệp đó đã được minh chứng bằng thực tế sống động hơn 40 năm qua khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1977. Đóng góp của Việt Nam đã để lại những dấu ấn đậm nét được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt là trong hoạt động của Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-xã hội và nhiều cơ quan thuộc Liên hợp quốc.

Đặc biệt, trong vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã có đóng góp vào nỗ lực chung xử lý xung đột ở một số khu vực, tăng cường hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, có sáng kiến cụ thể về tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh. Sau lần đầu hoàn thành xuất sắc trách nhiệm ấy, Việt Nam hiện đang được nhiều nước ủng hộ để một lần nữa ứng cử vào cơ quan rất quan trọng này trong nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc xây dựng và triển khai Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 của Liên hợp quốc và đi tiên phong trong việc áp dụng những mô hình hợp tác mới, như mô hình “Thống nhất hành động - Một Liên hợp quốc” tại Việt Nam. Nước ta cũng luôn có vai trò nòng cốt, chủ trì soạn thảo nghị quyết hàng năm của Hội đồng Nhân quyền về chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy quyền con người. Cuối năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam đã có cán bộ tham gia và được bầu làm Phó Chủ tịch thứ hai Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC)…

Là quốc gia từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, Việt Nam cảm nhận sâu sắc những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra và trân trọng giá trị của hòa bình. Từ tháng 6-2014, Việt Nam đã lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Bệnh viện dã chiến Việt Nam sẽ lên đường ngày 1-10 tới để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đội chiếc mũ nồi xanh của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc chính là một biểu tượng mà Việt Nam muốn gửi tới bạn bè quốc tế. Với truyền thống, đạo lý yêu chuộng hòa bình của con người và đất nước, Việt Nam sẵn sàng chung tay, góp sức vì một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/viet-nam-thanh-vien-co-trach-nhiem-cua-cong-dong-quoc-te/784256.antd