Việt Nam thể hiện mạnh mẽ cam kết chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp

Với mục tiêu tăng cường nỗ lực phòng chống các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã cam kết chủ động hơn trong việc thúc đẩy hợp tác liên ngành nhằm kiểm tra, xác định và xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu có nghi vấn về gian lận hoặc chuyển tải bất hợp pháp.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, do Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam tổ chức ngày 14/11.

Chuyển tải không phải là hiện tượng mới

Trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp mà nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam. Đặc biệt trước nguy cơ “chuyển tải” bất hợp pháp của một số doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay đang là vấn đề khá quan ngại.

Ông Claudio Dordi - Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại - phân tích, việc chuyển tải không phải là một hiện tượng mới đối với thương mại của Việt Nam.

Từ năm 2000 đến nay, đã phát hiện một loạt sản phẩm xuất khẩu mượn danh Việt Nam xuất khẩu sang EU được phát hiện “chuyển tải” từ Trung Quốc qua các cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức, như xe đạp vào năm 2000, giày mũ da 2008, bật lửa 2004, kẽm ô xít 2003...

Dễ thấy nhất là các vụ xuất khẩu sản phẩm tháo rời sang Việt Nam, thực hiện tại đây các công đoạn lắp ráp đơn giản hoặc công đoạn “tối thiểu”, không tạo ra sự chuyển đổi đáng kể. Nếu không có sự kiểm soát hiệu quả, Việt Nam tiếp tục bị các nước nhập khẩu khởi xướng các cuộc điều tra với hàng hóa xuất khẩu và hệ lụy thu hẹp thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp của các doanh nghiệp và cả ngành hàng xuất khẩu.

Phân tích kỹ hơn, ông Claudio Dordi cho hay, những hệ lụy với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn nếu tình trạng mượn xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp bị các quốc gia nhập khẩu, điển hình là Mỹ phát hiện, tăng rủi ro cho doanh nghiệp và sản phẩm tuân thủ của Việt Nam sẽ bị chậm trễ khi làm thủ tục xuất khẩu tại Mỹ, tăng nguy cơ bị áp thuế cao hơn với hàng hóa xuất khẩu, kể cả của những doanh nghiệp tuân thủ tốt.

Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), phần lớn hàng hóa xuất xứ Việt Nam được hưởng miễn, giảm thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sang các nước có ký kết FTA. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để được ưu đãi, lợi thế thương mại một cách bất hợp pháp.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, có một số nhóm mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018, với tốc độ tăng trưởng >25% như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm gỗ. Những mặt hàng này đều có nguy cơ gian lận cao.

Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) dẫn chứng một số vụ việc mà cơ quan hải quan Việt Nam vừa phát hiện. Điển hình là Cục hải quan TP. Hồ Chí Minh bắt giữ lô hàng của Công ty TNHH B. Hàng hóa được tạm nhập từ Trung Quốc và tái xuất sang Hoa Kỳ.

Doanh nghiệp khai báo hàng là cáp Internet. Nhưng qua kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu, các sợi cáp quang mang hiệu Monster, trên bao bì sản phẩm có in sẵn dòng chữ Made in Vietnam” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Hay Cục Hải quan Hải Phòng cũng vừa phát hiện một doanh nghiệp chế xuất 100% vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện để xuất sang nước thứ ba. Khi kiểm tra cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, dây chuyển sản xuất thủ công, không có máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất gì.

Những hiện tượng gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ làm tăng rủi ro doanh nghiệp như bị chậm trễ khi làm thủ tục xuất khẩu tại Mỹ. Hoặc cả những doanh nghiệp tuân thủ cũng sẽ bị áp thuế cao hơn. Do đó, Việt Nam cần tích cực hơn trong triển khai các giải pháp chống các hành vi gian lận xuất xứ”, ông Claudio Dordi cho hay.

Tích cực, chủ động triển khai

Trước nguy cơ bị mượn đường và hàng hóa nước ngoài để lợi dụng nhằm đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao về vấn đề này. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đang tích cực và chủ động thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2019.

Nhận thức được vai trò quan trọng của việc kiểm tra, kiểm soát gian lận xuất xứ tại cửa khẩu cũng như điều tra, xác minh sau thông quan các lô hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nghi vấn về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu; báo cáo Chính phủ và phối hợp các bộ ngành để cập nhật kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa. Cụ thể phối hợp với Tổng cục Hải quan, tổ chức cấp C/O tăng cường kiểm tra, hậu kiểm đối với những mặt hàng xuất khẩu tăng đột biến và những mặt hàng đang bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp…

Về phía Bộ Tài chính cũng ban hành nhiều kế hoạch về các biện pháp quản lý nhà nước về chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường kiểm tra giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu; trong đó, phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị ở cấp Tổng cục, Cục và Chi cục. Đặc biệt, lực lượng hải quan đang tiến hành phân tích các số liệu thống kê xuất nhập khẩu và các nguồn thông tin khác để xác định danh sách các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao về nghi vấn gian lận xuất xứ để áp dụng kiểm tra, kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý nghiệp vụ chuyên sâu.

Nhằm hỗ trợ Việt Nam phòng chống chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa, USAID đã thông qua Dự án Tạo thuận lợi thương mại kéo dài trong 5 năm, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng và thực hiện phương thức quản lý rủi ro đối với cơ quan hải quan và cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Từ đó góp phần tăng cường việc thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới mà cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên. Hiện dự án này đang phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương và VCCI trong nỗ lực phòng chống gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Chia sẻ về giải pháp mà Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện phòng chống gian lận xuất xứ trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đi thị trường lớn nhằm lợi dụng xuất xứ của Việt Nam, kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng sẽ tăng cường xác định xuất xứ, siết chặt quản lý đối với một số nhóm mặt hàng xuất nhập khẩu có kim ngạch tăng đột biến, có nguy cơ chuyển tải bất hợp pháp...

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-the-hien-manh-me-cam-ket-chong-gian-lan-xuat-xu-chuyen-tai-bat-hop-phap-128298.html