Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới

So với thế giới, mức tiêu thụ rượu bia, tỷ lệ sử dụng rượu bia, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở mức có hại ở Việt khá cao. Bình quân nam giới Việt Nam trong một năm tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên chất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 29 thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.

Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị Triển khai luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 16-10.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ để đưa ra được luật Phòng chống tác hại của rượu, bia Bộ Y tế đã mất 7 năm chuẩn bị. Không phải ai cũng nhận thức được tác hại của rượu bia với sức khỏe. Nhiều vụ tai nạn giao thông trong thời gian vừa qua liên quan nhiều đến sử dụng quá mức rượu bia.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền trong triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu bia

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền trong triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu bia

“Rượu thực chất là chất cồn kích thích người uống không kiểm soát được hành vi của mình. Rượu vào lời ra, xô xát, cãi nhau, đánh nhau, thậm chí là các hành vi xâm hại khác, kể cả xâm hại trẻ em.

Ngoài ra tác hại của rượu bia còn là các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch… Các bệnh không lây nhiễm chiếm đến 73% nguyên nhân tử vong các loại”, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là một trong những luật khó làm vì có tính xung đột lợi ích, giữa nhà làm luật và các đối tác khác. Những người làm công tác chăm sóc sức khỏe như chúng tôi đã rất vất vả, nhiều phen căng thẳng vì xung đột.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia; đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Vì vậy để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vấn đề là làm sao luật đi vào hiện thực cuộc sống. Với sự ra đời của luật phòng chống tác hại của thuốc lá, hiện nay nhiều người đã sợ hút thuốc lá, thói quen hút thuốc ở nơi công cộng, nhà hàng… đã thay đổi nhiều. Còn với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, làm sao để người dân tin uống rượu bia hại sức khỏe trong khi nhiều người vẫn cho rằng uống rượu bia được xem là văn hóa. Ai sẽ là người đi kiểm tra giám sát những hành vi bị cấm trong luật? Triển khai luật như thế nào là cái khó nhất. Cần hành động thực tiễn nếu không luật chỉ chỉ trên giấy tờ.

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/viet-nam-thuoc-nhom-quoc-gia-co-ty-le-nam-gioi-uong-ruou-bia-cao-nhat-the-gioi-166310.html