Việt Nam tiếp sức hành trình năng lượng sạch

(VietNamNet) - Hành trình Xa lộ Xanh do ANGVA tổ chức, nhằm cổ động cộng đồng sử dụng khí thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường sống.

- Chiều 18/9, tại cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) đã diễn ra lễ trao cúp và cờ "Hành trình Xa lộ Xanh 2009" (AGH09) của đoàn Thái Lan cho phía Việt Nam. AGH09, do Hiệp hội các phương tiện sử dụng khí thiên nhiên châu Á-Thái Bình Dương (ANGVA) xúc tiến thực hiện, là một cuộc diễu hành tiếp sức kêu gọi cộng đồng sử dụng khí thiên nhiên thay cho các năng lượng tạo ra nhiều khí thải độc hại, góp phần hình thành những “Xa lộ Xanh” trong tương lai. Ông Punnachai Footrakul (thứ 4 từ trái sang) trao cúp và cờ AGH09 cho ông Bùi Minh Tiến. (Ảnh: Đ.T) Hành trình Xa lộ Xanh được chia thành hai tuyến đường: Xa lộ Xanh A khởi hành từ Tehran (Iran) và Xa lộ Xanh B xuất phát từ Surabaya (Indonesia). 2 lộ trình này đi qua một số nước châu Á và gặp nhau tại Thiên Tân (Trung Quốc), sau đó cùng đến Donghae (Hàn Quốc) đúng ngày diễn ra Hội nghị ANGVA 2009 (27-29/10/2009). Việt Nam nằm trên tuyến Xa lộ Xanh B. Sau khi tiếp nhận cờ, đoàn sẽ diễu hành qua các địa phương dọc miền Trung trước khi ra Hà Nội, rồi đến Lạng Sơn. Ngày 21/9, tại cửa khẩu Hữu Nghị, lễ diễu hành sẽ kết thúc hành trình Việt Nam và trao cờ cho phía Trung Quốc. Việc sử dụng khí tự nhiên cho các phương tiện giao thông vận tải nhằm hạn chế tối đa lượng khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường, đang ngày càng trở nên phổ biến trên khắp thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan hiện dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới này. Ông Punnachai Footrakul, Trưởng đoàn AGH09 Thái Lan, cho biết nước ông đã có tới 345 trạm cung ứng khí tự nhiên và số lượng xe sử dụng năng lượng mới này lên tới khoảng 150.000 chiếc. Ở Việt Nam, theo ông Bùi Minh Tiến, Phó Tổng giám đốc TCT Khí Việt Nam (PV Gas), hai năm nay PV Gas đã cung cấp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) cho hai đơn vị vận tải taxi và hiện đang phát triển khí tự nhiên nén (CNG) với công nghệ cao hơn, giá cạnh tranh hơn. Trước mắt, PV Gas sẽ thí điểm dùng CNG với xe bus ở TP.HCM và Đồng Nai, sau đó sẽ nhân rộng sang các loại hình vận tải khác. LPG, khí dầu mỏ hóa lỏng, có thành phần chủ yếu là Propane (C3H8) và Butane (C4H10), tồn tại dưới dạng lỏng với áp suất khoảng 7 atm. Còn CNG là khí tự nhiên nén, thành phần chủ yếu là Metane (CH4) và Ethane (C2H6) lấy từ các mỏ khí thiên nhiên, được xử lý và nén ở áp suất cao (250 atm). Do không có Benzene và Hydrocarbon thơm, nên khi đốt, LPG và CNG không phát thải những khí độc như NOx, CO... và hầu như không phát sinh bụi. Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, kết quả quan trắc tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... cho thấy, các khí độc hại gây ô nhiễm phát thải từ các phương tiện giao thông chủ yếu là CO, NOx, hơi xăng dầu, bụi, chì, benzen và bụi PM2,5. Trong đó, xe máy là nguồn phát thải chính khí CO chiếm 85%, xe tải phát thải khí lưu huỳnh và Ni tơ chiếm hơn 70%... Do vậy, sử dụng LPG, CNG cho các phương tiện giao thông vận tải không chỉ có tác dụng giảm bớt khí thải độc hại góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giúp chủ phương tiện tiết kiệm chi phí nhiên liệu vận hành, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông Bùi Minh Tiến cho biết, vừa qua, nằm trong chương trình Xa lộ Xanh, được sự hỗ trợ của ANGVA, PV Gas đã cùng với công ty cổ phần dịch vụ vận tải Cửu Long thử nghiệm thành công hai chiếc taxi sử dụng CNG. Đây là một sự khởi đầu tốt. Tuy nhiên, theo ông, để có thể nhân rộng mô hình này, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đ.T

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/khoahoc/2009/09/869396/