Việt Nam tiếp tục là quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu

Với 49% câu trả lời 'rất lạc quan' về tăng trưởng doanh thu trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục là quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu. Đây là nội dung báo cáo 'Kinh doanh xuyên lãnh thổ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2019-2020' mới được Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố.

Triển vọng lạc quan cho Việt Nam

Báo cáo trên được thực hiện sau khi tiến hành khảo sát ghi nhận ý kiến của hơn 1.000 nhà lãnh đạo thuộc 21 nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC)-khối kinh tế chiếm một nửa thương mại toàn cầu và đóng góp vào hơn 50% GDP của thế giới. Theo báo cáo trên, 49% số người được lấy ý kiến bày tỏ lạc quan về tăng trưởng doanh thu ở Việt Nam trong năm 2020, cao hơn nhiều so với chỉ số trung bình trong APEC (34%). Ngoài ra, 44% nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) APEC hiện có kế hoạch tăng đầu tư vào Việt Nam trong năm tới, giúp Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam duy trì ở vị thế này, thể hiện triển vọng lạc quan về phát triển kinh tế ở Việt Nam đối với lãnh đạo các DN trong nước và khu vực. Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Giữa những áp lực của rào cản thương mại lên các nền kinh tế APEC, Việt Nam vẫn đang vươn lên theo đà tăng trưởng cùng sự lạc quan của lãnh đạo các DN. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn đầu tư không chỉ từ nước ngoài mà còn từ chính nguồn lực kinh tế trong nước.

 Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng mạnh trong năm 2019. Ảnh: aseaneconomist.com.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng mạnh trong năm 2019. Ảnh: aseaneconomist.com.

Coi phát triển công nghệ là ưu tiên chiến lược

Kết quả khảo sát của PwC cho thấy, lãnh đạo các DN Việt Nam có mức độ ưu tiên đáng kể tới phát triển công nghệ cũng như trang bị cho nguồn nhân lực những kỹ năng cần thiết để DN duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường. Khoảng 80% DN Việt Nam nhìn nhận phát triển công nghệ là ưu tiên chiến lược. Đây là tín hiệu khả quan khi đa số các lãnh đạo có kế hoạch tăng phân bổ ngân sách, đặc biệt cho tích hợp dữ liệu và hệ thống, cũng như đẩy mạnh phát triển các kỹ năng số trong hai năm tới.

Tuy nhiên, khi tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày một lấn sâu vào lực lượng lao động, khảo sát năm nay nhấn mạnh rằng, vai trò của người lao động cũng đang được tái xác định. 23% chủ DN Việt Nam gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực có kỹ năng phù hợp để phục vụ tự động hóa. Chỉ 5% lãnh đạo các DN Việt Nam so với 12% trong APEC cho biết, nhờ tự động hóa mà họ đang tạo ra thêm việc làm và tuyển dụng được nhân sự phù hợp.

Để đổi mới và phát triển trong nền kinh tế số, các nhà lãnh đạo DN mong muốn có thêm sự giám sát, định hướng và dự đoán. Theo ông Bob Moritz, Chủ tịch của PwC Global, các công ty đang rất chú ý tới rủi ro mà những chính sách lỏng lẻo, thiếu hiệu quả có thể gây ra trong lĩnh vực AI, an ninh mạng và bảo mật. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các kế hoạch đầu tư của công ty, cũng như lòng tin của khách hàng với DN.

Kết quả khảo sát năm nay cho thấy, đây là thời điểm tốt để các DN góp phần định hình khung quy định pháp lý dựa trên nguyên tắc. APEC là diễn đàn sẵn có để các DN cùng xây dựng quy chuẩn cho đổi mới, bên cạnh việc ứng dụng AI một cách tổng thể và có trách nhiệm. Các doanh nhân và nhà hoạch định chính sách có thể bảo đảm rằng, quy định và chính sách về AI lỏng lẻo hiện nay sẽ không trở thành “rào cản số” làm chậm tiến trình phát triển của khu vực APEC.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/viet-nam-tiep-tuc-la-quoc-gia-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-hang-dau-605733