Việt Nam trở thành nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP

Chiều ngày 18/1 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn Công tác cấp cao bắt đầu tham dự các hoạt động tại Hội nghị lần thứ 47 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Davos, Thụy Sĩ. Tại đây, Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP.

Theo đó, tại buổi gặp gỡ ông Klaus Schwab, Chủ tịch WEF, Thủ tướng Chính phủ đề nghị WEF duy trì tổ chức Hội nghị WEF Mekong; hỗ trợ Việt Nam kết nối với các tập đoàn và chuyên gia hàng đầu của WEF, tư vấn chính sách trong lĩnh vực năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Trong buổi gặp, ông Klaus Schwab đánh giá cao vai trò và tiềm năng phát triển của Việt Nam; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là theo mô hình đối tác công-tư (PPP).

Sau buổi gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng với Chủ tịch WEF Klaus Schwab đã dự lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai.

Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP và mong muốn đây là một “mẫu hình” để triển khai với các nước khác sau này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Klaus Schwab dự lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới..

Theo thỏa thuận, WEF sẽ hỗ trợ Việt Nam kết nối với mạng lưới các doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của WEF; phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và tư vấn chính sách trong những lĩnh vực Việt Nam quan tâm như tái cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia, biến đổi khí hậu...; nâng cao năng lực thông qua nhận cán bộ Việt Nam thực tập tại các cơ quan, tổ chức của WEF.

Cùng ngày, tại cuộc gặp gỡ các Tập đoàn Tài chính thuộc WEF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong năm vừa qua. Nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, Thủ tướng thông tin đến các nhà đầu tư là hiện nay, Việt Nam đã có hơn 22.000 dự án đầu tư nước ngoài từ hơn 100 quốc gia với tổng vốn trên 300 tỉ USD.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sự quan tâm đến 12 trụ cột về năng lực cạnh tranh toàn cầu mà WEF sử dụng để đánh giá năng lực cạnh tranh các quốc gia, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng mong muốn chào đón nhóm chuyên gia soạn thảo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF đến Việt Nam để tăng cường trao đổi thông tin và hiểu biết lẫn nhau giữa WEF và Việt Nam kỹ hơn.

“Trong 12 trụ cột về năng lực cạnh tranh này thì chúng tôi cho rằng thể chế rất quan trọng. Chính vì vậy mà Chính phủ Việt Nam tập trung mọi nguồn lực, khả năng để xử lý vấn đề thể chế theo thông lệ quốc tế và theo kinh tế thị trường, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là tài chính ngân hàng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, xử lý tranh chấp…Nền tảng thể chế đó phải bảo đảm tính toàn diện, bao trùm, trao cho mọi người dân cơ hội đóng góp vào thành công tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi xứng đáng với thành quả đó”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng khẳng định vai trò quan trọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam khi hiện đóng góp trên 20% GDP.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, đặc biệt là triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký; hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế hưởng ứng và tích cực tham dự các hoạt động của Năm APEC 2017 tại Việt Nam…

Kim Thanh

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tin-nhanh/viet-nam-tro-thanh-nuoc-dau-tien-wef-ky-thoa-thuan-hop-tac-theo-mo-hinh-d106758.html