Việt Nam trở thành trụ cột thứ ba của 'tam giác vàng khởi nghiệp'

Việt Nam bắt đầu được đánh giá là trụ cột thứ ba của 'tam giác vàng khởi nghiệp' trong khu vực Đông Nam Á.

Các biến động địa chính trị trên thế giới và khả năng suy thoái hiện hữu tại nhiều nền kinh tế lớn đang tác động tiêu cực tới lĩnh vực đầu tư khởi nghiệp. Dẫu vậy, cơ hội vẫn với các startups Việt là không nhỏ. Đây là thông điệp phát ra từ Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam được tổ chức hôm nay, 19-12, tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trên thế giới đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Ảnh: H.A

Theo các chuyên gia, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trên thế giới đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Ảnh: H.A

Theo Bộ KH&ĐT, trong 9 tháng đầu năm, cả nước đã thu hút gần 500 triệu USD đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ. Số lượng các thương vụ đầu tư ở các vòng gọi vốn giai đoạn sau đã cao hơn so với cùng kỳ 2021.

Theo đó, số vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư trong 3 năm 2023 - 2035 là 1,5 tỷ USD và tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn này dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.

Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), đến nay, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD thông qua 165 giao dịch vào năm 2021, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD và 126 giao dịch vào năm 2019.

Điều này cho thấy hoạt động giao dịch trên thị trường đã được cải thiện đáng kể, lấy lại động lực sau khi sụt giảm do đại dịch COVID-19. Đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục vào năm 2023 với tăng trưởng GDP dự đoán là 6,7%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn sáng 19-12. Ảnh: H.A

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế luôn gắn với dòng chảy của tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhận thức rõ điều này, Bộ này tới đây sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quá trình xây dựng chính sách này, ông Dũng đề nghị các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn, các startups cùng đồng hành với Bộ KH&ĐT nghiên cứu, thành lập cơ chế đầu tư, hỗ trợ thật hiệu quả, khai thác tốt các nguồn lực dành cho đổi mới sáng tạo.

"Trong thời gian tới sẽ Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng".

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư

Các chuyên gia tham gia diễn đàn. Ảnh: H.A

Ông Vinnie Lauria, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Venturesbcho biết, trong thập kỷ đầu tiên của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á, Singapore và Indonesia là những động lực tăng trưởng hàng đầu, trong đó Singapore mang đến nguồn tài chính và con người, Indonesia mang đến một thị trường nội địa khổng lồ.

Đến năm 2022, Việt Nam đã trở thành trụ cột thứ ba của “tam giác vàng khởi nghiệp” này, mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng công nghệ hàng đầu, một văn hóa khởi nghiệp vốn có của Việt Nam và thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng.

“Kết hợp các yếu tố này với nhau sẽ giải thích được tại sao ngày càng có nhiều nhà đầu tư toàn cầu đặt cược lớn vào Đông Nam Á”, ông Vinnie Lauria nói.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-tro-thanh-tru-cot-thu-ba-cua-tam-giac-vang-khoi-nghiep-post712856.html