Việt Nam trước nhiều xu hướng mới về phát triển tài chính số

Thế hệ Gen Z đang buộc các ngân hàng truyền thống phải thay đổi. Trong khi đó, các công ty Fintech đang nổi lên như một lời giải tài chính số sẵn có đối với các ngân hàng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, ở Việt Nam, hơn 3/4 người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán, 80% dân số có điện thoại thông minh, các giao dịch thanh toán trên môi trường điện tử cũng tăng trưởng rất nhanh cả về số lượng và giá trị.

Phần lớn các ngân hàng Việt Nam đang có xu hướng xây dựng khối ngân hàng số hoặc thành lập các trung tâm công nghệ để theo đuổi con đường chuyển đổi số. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều xu hướng mới trong quá trình chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng.

Các dịch vụ thanh toán và tài chính số đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

Các dịch vụ thanh toán và tài chính số đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

Thế hệ Gen Z buộc các ngân hàng phải chuyển lên kênh số

Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2023 được tổ chức mới đây, bà Trịnh Thị Lan – Giám đốc Chuyển đổi số, Tổng công ty Giải pháp Viettel cho biết, đang có sự nổi lên của xu hướng các ngân hàng thuần số (Neobanks). Đó là những ngân hàng gần như không có chi nhánh hay hoạt động vật lý. Thay vào đó, những ngân hàng này chỉ hoạt động trên các kênh số, tận dụng các thế mạnh về nền tảng công nghệ.

Đại diện Viettel cho rằng, Covid-19 đã làm tăng tốc độ chuyển đổi số, giúp nhiều người ở nhiều độ tuổi khác nhau quen dần với hình thức thanh toán số. Bên cạnh đó, thế hệ Gen Z sẽ định hình hoạt động của các ngân hàng trong tương lai.

Bà Trịnh Thị Lan – Giám đốc Chuyển đổi số, Tổng công ty Giải pháp Viettel. Ảnh: Trọng Đạt

Gen Z có những hành vi và chuẩn mực khác hẳn với các thế hệ cũ. Các thế hệ cũ cần sự cảm xúc, tương tác người với người, nhưng Gen Z cần chuẩn mực khác. Họ hiểu công nghệ, thích trải nghiệm những điều mới mẻ, các công nghệ mới”, bà Lan chia sẻ.

Thực tế trên dẫn đến việc các ngân hàng phải thay đổi, chuyển đổi trải nghiệm khách hàng từ phong cách truyền thống sang những cảm xúc mới mẻ, hiện đại hơn. Mối quan hệ giữa nhà cung cấp và người dùng cũng thay đổi. Trước kia, khách hàng là đối tượng thụ hưởng, giờ là đối tượng thụ hưởng và tạo ra giá trị.

Công nghệ và dữ liệu giờ đây không chỉ phục vụ những gì khách hàng muốn mà còn có tác dụng đưa ra dự báo điều khách hàng cần trong tương lai, đồng thời đưa ra các khuyến nghị”, đại diện Viettel nói.

Startup Fintech giúp giải bài toán của các ngân hàng

Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập MoMo, kiêm Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) cho hay, các công ty Fintech đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong quá trình chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng.

Theo ông Diệp, nhiều ngân hàng dù đã hướng đến số hóa nhưng cách tiếp cận khách hàng thì vẫn theo hướng cũ. Trong khi đó, các Fintech như MoMo có những mô hình tiếp cận khách hàng hằng ngày và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng.

Những công ty Fintech có thể giúp các ngân hàng, tổ chức tài chính tiếp cận khách hàng một cách đơn giản, hiệu quả với chi phí thấp nhất. Sự bắt tay của ngân hàng và các đơn vị trung gian thanh toán như MoMo sẽ tạo ra mô hình hợp tác hữu hiệu nhất”, ông Diệp chia sẻ.

Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập MoMo.

Lấy ví dụ cho mối quan hệ hợp tác này, ông Diệp cho biết, MoMo và các ngân hàng, tổ chức tài chính đang hợp tác triển khai với những kết quả đáng khích lệ.

Theo đó, MoMo đang triển khai công nghệ eKYC (xác thực điện tử) để định danh trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ khi mở tài khoản ngân hàng. Từ khi triển khai đến nay, đã có hơn 230.000 tài khoản ngân hàng được mở thành công. So với cách làm truyền thống, người dùng giờ đây chỉ mất 2 phút để hoàn thành quá trình mở tài khoản ngân hàng và 35 giây để duyệt hồ sơ với tỷ lệ duyệt thành công lên đến 90%.

MoMo cũng đóng vai trò một nền tảng đầu tư dễ tiếp cận với nhiều lựa chọn theo nhu cầu. Các khoản đầu tư này có thể được thực hiện dưới dạng mở sổ tiết kiệm, mua vàng online hoặc mua chứng chỉ quỹ. Ngoài ra, các công ty Fintech như MoMo còn có thể triển khai việc thu hộ khoản vay, thẻ tín dụng cho các ngân hàng thông qua ứng dụng.

Theo ông Diệp, những mô hình như trên là giải pháp hữu hiệu để các ngân hàng có thể phối hợp với các công ty Fintech. Đây chính là mô hình sẽ mang lại lợi ích cho những người thu nhập thấp, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/viet-nam-truoc-nhieu-xu-huong-moi-ve-phat-trien-tai-chinh-so-2147596.html