Việt Nam tụt hạng sáng tạo và bài toán đánh đổi

'Khi có cạnh tranh, thì doanh nghiệp buộc phải đổi mới để tồn tại, còn tồn tại dựa vào quan hệ, cơ chế xin cho, thì triệt tiêu sáng tạo'.

Thông tin chưa vui Việt Nam tụt ba bậc, xuống thứ hạng 77/140 trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu thường niên 2018 (Global Competitiveness Report GCR 2018) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bị tiếp nối bằng một tin buồn khác, nền kinh tế của chúng ta chỉ đứng vị trị 69/190, tụt 1 bậc trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019: Đào tạo để cải cách” (Doing Business 2019) của World Bank. Dù các tổ chức đánh giá đã có sự thay đổi tiêu chí, nhưng mức tăng điểm số của Việt Nam: 0,2 điểm (báo cáo của WEF) và 1,59 điểm (báo cáo của World Bank) không thể hiện một sự bứt phá đáng kể. Đáng nói hơn, sự tăng tiến của Việt Nam không theo kịp đà của các nền kinh tế trong khu vực như Malaysia (25), Thái Lan (38), Indonesia (45)... Trông người ngẫm ta, trước hết, chúng ta phải tự trách mình.

Quả thật, nhìn vào GCR 2018, rất dễ nhận ra các trụ cột Việt Nam xếp thứ hạng cao: chỉ số hạ tầng (65), ổn định kinh tế vĩ mô (75), hệ thống tài chính (62), quy mô thị trường (71). Đặc biệt, trụ cột sức khỏe đạt mức điểm cao nhất là 81 chứng tỏ món quà dân số vàng vẫn đang phát huy hiệu lực. Những ưu thế đang đến từ… vốn sẵn có hoặc từ việc đầu tư nguồn lực chỉ chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam chưa khơi thông tốt các điểm nghẽn. Nếu thiếu điều này, không thể kỳ vọng một sự tăng tiến bền vững, hay nói như bà Zahidi, chuyên gia của WEF là hướng được tới "sự thay đổi trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thu nhập trong dài hạn".

Rõ ràng Việt Nam không muốn mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, thậm chí là ngưỡng trung bình thấp như mức GDP/đầu người đang có. Muốn vậy phải bắt đầu từ những điểm bị đánh giá là yếu nhất. Trong báo cáo GCR 2018, trụ cột bị đánh giá thấp nhất là Năng lực sáng tạo. Mức điểm 33 của nền kinh tế Việt Nam nằm ở vị trí 82/140 nước, thua rất xa số điểm 87,5 của Đức, nước đứng đầu trong trụ cột này. Xét giá trị tuyệt đối, trụ cột Năng lực sáng tạo của Việt Nam chỉ trội hơn các nước như Bangladesh, Bosnia và Herzegovina, Yemen, Zimbabwe..., những nền kinh tế chưa thể coi là phát triển.

Việt Nam tụt hạng trong báo cáo GCR 2018 bởi “WEF xem xét các khía cạnh như nhau và nhấn mạnh đến đổi mới sáng tạo vì nền kinh tế tới đây tăng trưởng dựa vào yếu tố này”. Ngược với sự hứng khởi cấp quốc gia về cuộc cách mạng công nghệ mới, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, ‘yếu tố đổi mới sáng tạo ở Việt Nam được đánh giá rất thấp và trong một năm qua không nhìn thấy sự thay đổi’. Chỉ có điều, cải thiện trụ cột này lại không hề đơn giản.

Trở lại với những chỉ số thuộc trụ cột Năng lực sáng tạo, điểm sáng đáng kể nhất của nền kinh tế Việt Nam là số lượng công bố khoa học (scientific publications). Số điểm 76,3/100 đứng thứ 59/140 hẳn phải đến từ xu hướng tăng lượng công bố khoa học trên tạp chí ISI của rất nhiều trường đại học trong nước. Thế nhưng, không nên quên rằng, số lượng chưa đồng nghĩa với chất lượng, và quan trọng hơn, các nhà khoa học Việt Nam đóng góp phần nào vào những công bố trên. Trừ những ngoại biệt hiếm hoi chủ yếu trong lĩnh vực y dược học, những nghiên cứu gây tiếng vang quốc tế và có khả năng ứng dụng ngay vào thực tiễn của Việt Nam vẫn còn rất hiếm hoi.

Trong khi đó, nhóm các chỉ số lao động có kỹ năng, hợp tác đa phương (multi-stakeholder collaboration), hợp tác sáng chế quốc tế (international co-inventions), đăng ký sáng chế (patent applications) ghi nhận những thành tích không thể tự hào. Các thứ hạng lần lượt 91, 80, 97, 89 của nhóm chỉ số trên khiến chúng ta không thể phủ nhận năng lực sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam còn rất yếu. Vậy nhưng, khi các doanh nghiệp FDI tìm đến Việt Nam chỉ bởi lợi thế nhân công giá rẻ, lao động chủ yếu là gia công; và khi ở đầu bên này, đa số các doanh nghiệp nhà nước, trừ một vài doanh nghiệp thuộc lĩnh vực viễn thông, vẫn một mình một chợ, còn ở đầu bên kia, doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là siêu nhỏ và ngày càng li ti hóa, thì chưa nhìn thấy động lực để thay đổi tình trạng này. Thẳng thắn hơn, nền kinh tế Việt Nam hiện tại không có nhiều không gian khuyến khích sự sáng tạo, đồng thời, không có nhu cầu bức thiết về vấn đề này.

Đến đây, sẽ gặp lại một nhận định quen thuộc đã được nhắc đi nhắc lại trong nhiều cuộc hội thảo bàn về viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam, “khi có cạnh tranh, thì doanh nghiệp buộc phải đổi mới để tồn tại, còn tồn tại dựa vào quan hệ, cơ chế xin cho, thì triệt tiêu sáng tạo”. Nghĩa là, viên gạch đầu tiên cho một nền kinh tế năng động sáng tạo chính là môi trường sòng phẳng, minh bạch, doanh nghiệp được tạo cơ hội ngang nhau trong tiếp cận nguồn lực. Làm được như vậy, không chỉ trụ cột sáng tạo, các trụ cột khác như thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô, động lực kinh doanh… chắc chắn cũng sẽ vươn lên những thứ hạng cao hơn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/viet-nam-tut-hang-sang-tao-va-bai-toan-danh-doi-3369284/