Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu:Biến thách thức thành cơ hội

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Các thảm họa thiên nhiên và sự thay đổi của mô hình thời tiết đang gây ra rủi ro lớn cho người dân, ngành nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của hành động đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã nhanh chóng tiến hành nhiều giải pháp làm giảm nhẹ thiên tai, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề biến những thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội.

Nhận thức đúng để giảm nhẹ thiên tai

Do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết của nước ta những năm gần đây có diễn biến bất thường và cực đoan, gây thiệt hại lớn về đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Theo nhận định của ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong những năm qua, thời tiết trên cả nước diễn ra rất bất thường, không theo quy luật tự nhiên nên rất khó cảnh báo, dự báo chính xác. Hầu hết khoảng thời gian mùa hè các năm, tình trạng nắng nóng gay gắt duy trì liên tục tại 18 tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận, Tây Nguyên gây hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Diện tích đất không thể canh tác và bị thiếu nước đối với vụ đông xuân, hè thu liên tục tăng cao. Tại khu vực miền Trung, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, tình hình mưa lũ, sạt lở đất, lốc, sét... xảy ra thường xuyên hơn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

"Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn và gây ra những thiên tai khắc nghiệt cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, biến đổi khí hậu đã làm khí hậu nóng lên toàn cầu, dẫn đến sự thay đổi về lượng mưa, băng tan, nước biển dâng trên thế giới. Qua quan trắc cho thấy, trong 100 năm qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 0,74 độ C, còn trong 50 năm gần đây, tốc độ tăng của nhiệt độ gấp gần hai lần so với 50 năm trước. Sự nóng lên của trái đất đã làm suy giảm khối lượng băng ở hai bán cầu; trong đó ở Bắc Băng Dương, mỗi thập kỷ giảm khoảng 2,1-3,3% lượng băng. Đây là nguyên nhân khiến nước biển dâng trung bình 1,8mm/năm", ông Lê Thanh Hải nhận định.

Ông Hải cũng dẫn chứng thêm, biểu hiện của biến đổi khí hậu ở nước ta cũng khá rõ. Cụ thể, trong 50 năm qua, biểu hiện nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước ta đã tăng khoảng 0,5 độ C/năm. Riêng năm 2015, do tác động của hiện tượng El-Nino, nền nhiệt độ tăng khoảng 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm và có số ngày nắng nóng kéo dài hơn. Lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam lãnh thổ. Trên khu vực Biển Đông, bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng lùi dần về phía Nam lãnh thổ nước ta. Đặc biệt, tần suất hoạt động của bão mạnh, siêu bão ngày càng gia tăng với mức độ ảnh hưởng lớn; mùa mưa bão sẽ kết thúc muộn hơn so với trước đây. Hạn hán, nắng nóng có xu thế tăng lên và không đồng đều giữa các khu vực, nhất là ở Trung Bộ và Nam Bộ.

Chủ động ứng phó có hiệu quả

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khu vực. Trong đó, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là tài nguyên nước, khu vực ven biển và ngành nông nghiệp. Kịch bản biến đổi khí hậu nhiệt độ trung bình của nước ta sẽ tăng 2-3 độ C, kéo theo đó mực nước biển có thể dâng lên khoảng 1m. Khi đó hậu quả là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập 39% diện tích, riêng TP Hồ Chí Minh ngập 20% diện tích; các tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Hồng ngập 10%; các tỉnh miền Trung là 3%. Đồng thời, sẽ có 10-12% dân số của nước ta chịu tác động. Đây là những ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, gây tổn thất về kinh tế khoảng 10% GDP/năm, một con số rất đáng báo động. Do đó, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn hiện nay.

Ngoài ra, để thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã triển khai mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; mô hình xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp giải pháp sinh kế cho người dân. Tiêu biểu như tỉnh Quảng Nam đã triển khai các dự án điểm nâng cấp công trình giao thông, thủy lợi nhằm ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt. Tỉnh Bến Tre tập trung gia cố đê, kè ngăn mặn, xây dựng nhà cộng đồng đa năng tránh trú bão. Khu vực miền Trung, Tây Nguyên trồng và bảo vệ rừng; Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai. Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng các hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền kiến thức về biến đổi khí hậu đến rộng rãi nhân dân, giúp họ hiểu đúng bản chất của biến đổi khí hậu để thích nghi, chủ động điều chỉnh hành vi, tiến tới sống chung với biến đổi khí hậu.

Theo Lê Thanh Hải – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, để hạn chế tối đa những thiệt hại do sự bất thường của thiên tai gây ra, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, nhất là hiện tượng El-Nino để chủ động xây dựng giải pháp ứng phó. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tính toán nguồn nước bảo đảm cho sản xuất vụ đông xuân trên tinh thần tiết kiệm, trong đó có tính đến phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Theo ông Hải, chỉ có nhận thức đúng về thiên tai mới phòng chống và hạn chế tối đa thiệt hại. Ngoài ra, cần từng bước chuyên nghiệp hóa lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ trung ương xuống cơ sở, để chủ động ứng phó hiệu quả.

KHẮC NAM

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bien-thach-thuc-thanh-co-hoi-d2057983.html