Việt Nam và 6 thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công

Bộ Tài chính có nhiều nỗ lực trong củng cố ngân sách và chi tiêu của Chính phủ Việt Nam. Đây chính là cơ sở cho tái cấu trúc nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

Đây là một trong những đánh giá của chuyên gia quốc tế về quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018, tổ chức ngày 20/9, với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam”.

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Sự kiện này quy tụ khoảng 300 đại biểu đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… các tổ chức quốc tế bao gồm Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới,…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, tái cơ cấu tài chính công để góp phần tăng trưởng nhanh, toàn diện và bền vững là nhiệm vụ then chốt, quan trọng đối với lĩnh vực tài chính.

Sau 3 năm tái cơ cấu tài chính công, đã đạt được những kết quả tích cực với việc chặn đứng được đà giảm sút của việc huy động nguồn lực từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước (NSNN), đã phục hồi tỷ lệ động viên vào NSNN, tạo thuận lợi thương mại, tạo môi trường để huy động vốn đầu tư, chống chuyển giá, chống xói mòn thuế. Bội chi được kiểm soát từ 5,12% GDP vào năm 2015 xuống còn 3,6% GDP năm 2016. Cùng với đó, nợ công được kiểm soát hợp lý hơn ở mức trên 61% GDP vào cuối năm 2017. Nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát dưới 50%. Cùng với đó tăng được tỷ trọng chi đầu tư phát triển, từ 21- 22% đến nay đã đạt được 26-27%...

Về công tác cải cách thể chế, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hệ thống luật pháp tài chính đã được xây dựng phù hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN kết hợp với học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Một số luật quan trọng được ban hành trong thời gian qua như: Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp… đã đáp ứng được các tiêu chí này. Cùng với đó là những thành công trong cải cách thủ tục hành chính của ngành Tài chính, trọng là lĩnh vực thuế, hải quan, được các tổ chức quốc tế nhận định và đánh giá cao.

Bên cạnh những thành công, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn đúc rút 6 thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công của Việt Nam.

Thách thức lớn nhất là tỷ lệ động viên ngân sách chưa bền vững dù thu nội địa chiếm 82% tổng thu ngân sách. Thực tế, một bộ phận nguồn thu nhất là nguồn thu của nhiều địa phương phụ thuộc vào bán tài sản công, quyền sử dụng đất; tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn. Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại vẫn là nguy cơ lớn.

“Năm 2017, cơ quan thuế triển khai Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết cũng như gắn với chương trình hợp tác quốc tế, cơ quan tài chính đã tăng thu thêm 300 triệu USD và giảm lỗ 2,2 tỷ USD từ việc quản lý thuế với các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Thứ hai, cơ cấu về ngân sách tuy có chuyển biến nhưng hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công và NSNN đang là thách thức lớn.

Thứ ba, cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản trị và quản lý vốn nhà nước tại khu vực doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả tài sản công quốc gia.

Thứ tư, dù nợ công đã được cải thiện, nhưng các khoản nợ dự phòng, những rủi ro về tỷ giá, nợ dự phòng bảo lãnh của nhà nước đối với khu vực doanh nghiệp vẫn tiếp tục là thách thức lớn trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, 8 tháng qua, đấu giá trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm, lãi suất 4,12%/năm nhưng hiện doanh nghiệp phải vay vốn trung, dài hạn tại các ngân hàng thương mại khoảng 9,6%/năm.

“Nếu đứng ở góc độ tài chính, khi cộng đồng doanh nghiệp còn cơ bản dựa vào tín dụng, dự nợ tín dụng ngân hàng lên tới 1,4% GDP trong khi tỷ lệ hợp lý là 0,6-0,8% GDP thì đây là thách thức lớn”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Thứ năm, cần xây dựng thể chế để giải quyết được thách thức lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là chi phí vốn khu vực doanh nghiệp.

Thứ sáu, cần nâng cao kỷ luật kỷ cương tài chính, công khai, minh bạch về tài chính- ngân sách.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn bày tỏ mong muốn được trao đổi, chia sẻ học hỏi giải pháp kinh nghiệm quốc tế trong quá trình cải cách thể chế cũng như về tổ chức thực hiện, giải quyết những thách thức để đảm bảo mục tiêu tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam.

Ông Michael Greene, Giám đốc quốc gia của USAID tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ trở thành nước có thu nhập trung bình và là nước có sự phát triển ấn tượng. Bộ Tài chính có nỗ lực to lớn củng cố ngân sách và chi tiêu của Chính phủ Việt Nam. Đây chính là cơ sở cho tái cấu trúc nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

“USAID đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong cải cách thể chế tài chính để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, với mục tiêu chung là thúc đẩy sự tự cường của quốc gia”, ông Michael Greene cam kết.

Còn ông Bruno Angelet- Trưởng phái đoàn đại diện Liên Minh châu Âu tại Việt Nam đã cho rằng, Bộ Tài chính đã có tư duy cởi mở về tương lai tài chính của Việt Nam và những cải cách thời gian qua.

“Liên minh châu Âu coi cải cách tài chính công ở Việt Nam là quan trọng. Là nước có thu nhập trung bình nhưng Việt Nam phải đảm bảo cung cấp dịch vụ tài chính công bằng cách tăng nguồn thu trong nước và quản lý tài chính hiệu quả. Liên minh châu Âu muốn giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, vấn đề về thuế và quản lý tài chính trong chuyển đổi nền kinh tế xanh”, ông Bruno Angelet nói.

Về phía các chuyên gia trong nước, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam góp ý, chính sách tài chính, thuế phải mang tính chiến lược, hướng vào mục tiêu phát triển dài hạn, giảm gánh nặng thuế phí, lệ phí cho doanh nghiệp, tạo động lực khuyến khích sản xuất, tăng quy mô, mở rộng diện thu ngân sách nhà nước”, ông Thanh đề xuất.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lại đề cập vấn đề cần đặt việc tái cấu trúc tài chính trong các vấn đề kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Thực tế, như nhiều nước tăng nỗ lực duy trì tăng trưởng cao và đẩy mạnh cải tiến công nghệ. Việt Nam ít nhiều cũng đã phải trả giá về nỗ lực đạt tăng trưởng cao và đang phải đối mặt với thực tế khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, số người thụ hưởng những thành tựu kinh tế không đồng đều, ô nhiễm môi trường.

“Việt Nam đang dần chú ý hơn tới việc phát triển bền vững và vấn đề môi trường, với việc đề xuất các giải pháp về kiểm toán môi trường hướng tới sự phát triển bền vững tại Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) đang diễn ra”, ông Vũ Đình Ánh cho biết.

Khi thực hiện tái cấu trúc, cấu trúc hàng loạt các bộ phận trong nền kinh tế, các kết quả đạt được là sự tái cấu trúc toàn diện thu chi, cân đối ngân sách liên quan tài sản công, nợ công. Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia chưa thật sự gắn kết với tái cấu trúc nền kinh tế…

“Cần gắn việc tái cấu trúc nền tài chính, ngân sách với các mục tiêu giảm nghèo bền vững, toàn diện”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/viet-nam-va-6-thach-thuc-trong-tai-cau-truc-nen-tai-chinh-cong/347237.vgp