Việt Nam và các hướng tìm nguồn vaccine Covid-19

Với mục tiêu sớm chấm dứt đại dịch Covid-19, Việt Nam đang ngày càng chủ động trong việc triển khai chiến lược tiêm phòng toàn dân.

Vaccine phòng Covid-19 đang được coi là "tấm khiên" ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch ở nhiều nơi trên thế giới. Các nước có tỷ lệ tiêm chủng ngừa cho hơn một nửa dân số như Mỹ, Châu Âu,... đã bắt đầu mở cửa trở lại và bước sang giai đoạn phục hồi kinh tế.

Vaccine là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa Covid-19, giúp các quốc gia sớm thúc đẩy quá trình phục hồi.

Vaccine là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa Covid-19, giúp các quốc gia sớm thúc đẩy quá trình phục hồi.

Ngược lại, những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp như các quốc gia Đông Nam Á, châu Phi,... vẫn đang đau đầu chống chọi lại những diễn biến phức tạp của đại dịch.

Các chuyên gia y tế trong và ngoài nước đánh giá, dù hiệu lực của vaccine không phải 100% nhưng đây vẫn là “vũ khí hữu hiệu” giúp phòng ngừa Covid-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng. Vì vậy, triển khai tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 là giải pháp sáng suốt và hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay.

Nắm bắt được xu hướng đối phó dịch hữu hiệu này, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quyết định, nước ta chuẩn bị bước vào chiến dịch tiêm phòng Covid-19 toàn quốc trong thời gian sắp tới. Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng của Việt Nam với sự tham gia của tất cả các bộ, ngành; triển khai ở tất cả các địa phương trên cả nước.

Mục tiêu của chiến dịch này là có khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 tiêm đủ cho 70% dân số, để Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 và đầu năm 2022. Từ đó, cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường và nền kinh tế chuyển sang giai đoạn phục hồi.

Từ nay đến cuối năm, khi lượng vaccine về đủ (khoảng 110-150 triệu liều), Việt Nam sẽ triển khai tiêm ước tính mỗi ngày khoảng 300.000-500.000 liều trong 3 đến 6 tháng cuối năm. Đây là nỗ lực mới nhất của nước ta nhằm chấm dứt diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Việt Nam đã phê duyệt những loại vaccine ngừa Covid-19 nào?

Hiện Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt 5 loại vaccine, bao gồm những loại sau:.

Vaccine A2D1222 (AstraZeneca):

Vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca là loại vaccine phòng SARS-CoV-2, được đồng phát triển bởi Đại học Oxford và Hãng dược nổi tiếng thế giới AstraZeneca. Vaccine này được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vào ngày 31/1 vừa qua.

Vaccine AstraZeneca là một loại vaccine được sử dụng để bảo vệ các đối tượng từ 18 tuổi trở lên chống lại Covid-19. Vaccine giúp cho hệ miễn dịch của người được được tiêm chủng có khả năng nhận biết và tiêu diệt virus corona (SARS-COV-2).

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca chứa một loại virus gây cảm lạnh thông thường đã được biến đổi gen. Công nghệ “virus biến đổi” đã từng được thử nghiệm và ứng dụng thành công trong việc tạo ra vaccine cho các bệnh lý khác.

Vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh Covid-19 lên đến 89%, dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng.

Vaccine Sputnik V

Sputnik V (Gam-COVID-Vac) là vaccine đầu tiên được đăng ký trên thế giới. Vaccine này có nguồn gốc từ Nga, hoạt động dựa trên nền tảng vector adenovirus.

Vector adenovirus là công nghệ mới và đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh. Người sử dụng vaccine Sputnik V sẽ phải tiêm 2 mũi, sử dụng hai loại vector khác nhau là rAd5 và rAd26. Bằng cách này, chúng sẽ “đánh lừa” cơ thể, kích thích miễn dịch đối với vector đầu tiên và tăng hiệu quả của vaccine với mũi thứ hai sử dụng vector khác.

Ngày 19/4, Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Gamaleya và Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) công bố hiệu quả của vaccine Sputnik V ở mức 97,6% sau khi phân tích dữ liệu về tỉ lệ mắc Covid-19 ở những người Nga đã được tiêm cả hai liều vaccine. Đối với biến thể Delta, vaccine của Nga có hiệu quả khoảng 90%.

Vaccine Corminaty (Pfizer)

Vaccine Corminaty là sản phẩm của Tập đoàn dược phẩm Pfizer và Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) hợp tác phát triển.

Vaccine của hãng dược Pfizer là một trong số những ứng cử viên hứa hẹn nhất trong “cuộc đua” sản xuất vaccine phòng đại dịch Covid-19. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy vaccine Corminaty có tính an toàn cao và tỷ lệ hiệu lực là 95% trong việc phòng ngừa hiệu quả virus gây bệnh Covid-19.

Vaccine Corminaty được chỉ định phòng ngừa Covid-19 cho những người từ 16 tuổi trở lên, ứng dụng công nghệ vật liệu di truyền, sử dụng mRNA làm “mồi nhử” hướng dẫn hệ miễn dịch chống lại mầm bệnh, bằng cách kích thích các tế bào trong cơ thể người tạo ra protein virus. Khi hệ miễn dịch của cơ thể tiếp xúc với protein sẽ sinh ra kháng thể chống lại, từ đó các tế bào miễn dịch nhận biết được virus SARS-CoV-2 và chống lại Covid-19 hiệu quả.

Vaccine Vero Cell (Sinopharm)

Ngày 3/6, Chính phủ Việt Nam phê duyệt sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp vaccine Vero Cell của tập đoàn dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc).

Sinopharm là doanh nghiệp trung ương và là tập đoàn lớn nhất tại Trung Quốc trong ngành dược phẩm, y tế, sức khỏe, với chuỗi các ngành công nghiệp hoàn chỉnh và có quy mô lớn nhất tại Trung Quốc.

Vaccine Vero Cell Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78,2% và trở thành vaccine thứ 6 trên thế giới được xét vào danh sách này. Mỗi liều vaccine gồm 0,5ml, chứa 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt.

Vaccine này dự kiến sẽ ưu tiên tiêm cho 3 nhóm: Người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc và người dân khu vực biên giới.

Vaccine Spikevax (Moderna)

Gần đây nhất, ngày 29/6, Bộ Y tế vừa có quyết định phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là vaccine Covid-19 thứ 5 được phê duyệt tại Việt Nam, sau vaccine của các hãng AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer và Sinopharm.

Spikevax là một loại vaccine được sử dụng để bảo vệ các đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Đây là một sản phẩm của tập đoàn dược phẩm lâu đời Moderna TX của Mỹ nhưng có thể được sản xuất tại Tây Ban Nha, Pháp.

Moderna phát triển sản phẩm dựa trên công nghệ mRNA. Axit ribonucleic truyền tin (mRNA) trong vaccine cung cấp một loạt các chỉ dẫn mà các tế bào trong cơ thể có thể sử dụng để tạo ra kháng thể có khả năng chống lại virus gây nhiễm Covid-19.

Người chọn tiêm Vaccine Moderna cần tiêm hai mũi, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất khoảng 28 ngày. Theo thống kê, vaccine Moderna đã chứng minh hiệu quả 94,1% trong thử nghiệm, trở thành một lựa chọn tin cậy đối với Mỹ và nhiều nước châu Âu.

Các nhà nghiên cứu của Vabiotech nỗ lực nghiên cứu vaccine phòng Covid-19.

Vaccine 'Made in Vietnam'

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, cùng với việc nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, đàm phán, trao đổi với các nhà sản xuất, đối tác phát triển, sản xuất, cung ứng vaccine phòng Covid-19 trên thế giới, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine trong nước chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai các nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng vaccine "made in Việt Nam".

Đồng thời, Bộ Y tế cũng mở rộng tìm kiếm hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài để nhanh chóng có vaccine phòng chống dịch bệnh chủ động cho Việt Nam.

Hiện Việt Nam có 4 đơn vị đang nghiên cứu vaccine theo các hướng khác nhau.

Đầu tiên, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen đang phát triển vaccine mang tên NanoCovax dựa trên công nghệ DNA/protein tái tổ hợp. Vaccine bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người từ tháng 12/2020.

Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) đang sản xuất vaccine Covivac. Đây là vaccine dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.

Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) dùng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus Baculo. Theo Vabiotech, hướng nghiên cứu này khác với vaccine NanoCovax và Covivac nên có bước chậm hơn, nhưng đến nay các kết quả trong phòng thí nghiệm đều rất lạc quan. Theo Bộ Y tế, vaccine này sẽ được thẩm định và thông qua đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2 trong tháng 7/2021.

Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus sởi. Đơn vị này cũng đang trao đổi với quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga về phương án hợp tác sản xuất vaccine theo công nghệ của vaccine Sputnik V.

Thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo 3 kế hoạch chiến lược hết sức đúng đắn để có vaccine phòng Covid-19 bao gồm: Mua vaccine, nhận chuyển giao công nghệ và nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung vaccine toàn cầu, việc Việt Nam xây dựng thành công chiến lược tự chủ vaccine là vô cùng cấp bách.

Càng sớm tới đích trong tự chủ vaccine phòng Covid-19 thì Việt Nam càng sớm có cơ hội đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường, vị thế quốc gia của Việt Nam được tăng cường.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-va-cac-huong-tim-nguon-vaccine-covid-19-150072.html