Việt Nam vẫn vắng bóng trong top các nước xuất khẩu thực phẩm Halal

Mặc dù có năng lực xuất khẩu và thương hiệu ở top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20 - 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu, cho thấy cần tăng tốc nắm bắt cơ hội, khai mở thị trường tiềm năng này.

TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Thảo.

Tiềm năng thị trường 2 tỷ dân

Tại hội thảo “Văn hóa Islam và triển vọng phát triển ngành Halal ở Việt Nam” ngày 14/8, TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho biết, hiện nay cộng đồng Hồi giáo (Islam giáo) chiếm tỷ lệ đa số ở các quốc gia như: Malaysia, Indonesia, Brunei, Pakistan, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Ai Cập, Algeria, Nigeria...

Số lượng người theo Hồi giáo là gần 2 tỷ dân, chiếm khoảng 23% dân số thế giới. Dự kiến dân số Hồi giáo sẽ chiếm 30% dân số thế giới vào năm 2025 do dân số theo tôn giáo này đang tăng nhanh gấp đôi so với dân số phi Hồi giáo.

Ở Việt Nam, số liệu của Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho thấy, cộng đồng Hồi giáo đã phát triển lên đến 32.000 người, với lịch sử lâu đời từ thế kỷ XVI-XVII, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của Hồi giáo.

Làm rõ các động lực tăng trưởng của thị trường này, ông Lê Phước Minh cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Halal đang ngày càng tăng trưởng về quy mô trên thị trường thế giới. Các nhà cung cấp thực phẩm Halal chủ yếu là các nước phi Hồi giáo, tiêu biểu như Brazil, Ấn Độ, Australia, Pháp, New Zealand, Hungary.

Tính nhân văn của Halal tác động đến đông đảo người dân trên thế giới, khiến thị trường Halal đang ngày càng mở rộng đến cả các nước không phải Hồi giáo. Quy mô thị trường Halal tăng trưởng nhanh, dự kiến đạt 3.200 tỷ USD năm 2025, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 6,2.%. GDP bình quân đầu người Hồi giáo ước tăng 4,2% đến năm 2024.

Ngoài các tín đồ Hồi giáo, người tiêu dùng trên thế giới ngày càng quan tâm đến thực phẩm Halal bởi đặc tính chất lượng cao, được sản xuất trong một hệ thống quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh nghiêm ngặt.

“Riêng ngành thực phẩm Halal không chỉ về sản xuất, chế biến mà còn liên quan đến nguyên liệu, dịch vụ hậu cần. Do vậy, phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ phụ trợ đi kèm”, TS. Lê Phước Minh phân tích.

Thu hút FDI và đầu tư để Việt Nam tham gia chuỗi Halal toàn cầu

Làm rõ hơn về cơ hội của Việt Nam trong ngành thực phẩm Halal, TS. Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho biết, biểu tượng Halal đã tạo dấu ấn sâu sắc trên bản đồ quốc tế, bao trùm đến vấn đề nhân văn, tính bền vững, chăn nuôi nhân đạo và trách nhiệm của doanh nghiệp. Điều này giúp ngành công nghiệp Halal phát triển, đi từ những ngành truyền thống đến các lĩnh vực mới nổi: Dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, du lịch, thời trang...

Top 20 doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Halal hàng đầu thế giới, năm 2017. Nguồn: Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông

“Tuy nhiên, trong top 20 – 30 nước xuất khẩu sản phẩm Halal hàng đầu thế giới đang vắng bóng các doanh nghiệp Việt. Trong khi Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nông lâm thủy sản, năng lực xuất khẩu và thương hiệu ở top 20 thế giới. Đây là một điểm rất đáng tiếc khi Việt Nam đang bỏ ngỏ thị trường rộng lớn đầy tiềm năng này”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Theo TS. Đinh Công Hoàng, cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng Halal thế giới có thể nhìn thấy ở vị trí địa lý gần các nước Hồi giáo, có tiềm năng về các sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam có các FTA thế hệ mới, chất lượng cao với các thị trường khắt khe (EU, Mỹ, Nhật…) là nền tảng để tiếp cận thị trường Halal.

Hiện nay, không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết rõ về Halal, việc cấp chứng nhận Halal còn khó khăn, doanh nghiệp để được cấp chứng nhận còn cần đầu tư nhiều chi phí.

Nhận định những khó khăn đó, ông Hoàng đề xuất nghiên cứu ký kết các FTA giữa Việt Nam và thị trường Halal, cụ thể là CEPT với UAE. Thành lập cơ quan quản lý Halal tại Việt Nam và triển khai cấp chứng nhận Halal cho doanh nghiệp

Ông Hoàng cho rằng, cần thiết lập hệ sinh thái Halal, thu hút các doanh nghiệp FDI và đầu tư Halal trong nước, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thực phẩm, nông sản, mỹ phẩm, du lịch, may mặc, giày dép. Cùng với đó là thúc đẩy chuyển đổi số và thương mại điện tử để xuất khẩu sang thị trường Halal.

Làm rõ hơn ưu thế của doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường Halal, TS. Lê Kim Sa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông nêu rõ, điều thú vị của doanh nghiệp khi đi theo chuẩn mực Halal toàn cầu là không phải mang sản phẩm đi chào hàng.

“Đây là điểm vô cùng đặc biệt, bởi trong hệ thống Halal thế giới có sẵn chuỗi cung ứng đang có cầu cao, trong khi số doanh nghiệp đạt được chứng nhận Halal còn rất ít. Sự khắt khe của thị trường Halal lại chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt đối với thị trường 2 tỷ dân theo Hồi giáo toàn thế giới này”, ông Sa nhấn mạnh.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-van-vang-bong-trong-top-cac-nuoc-xuat-khau-thuc-pham-halal-post25608.html