Việt Nam vô địch, không nói nhiều

Giết hổ khó hay chia thịt hổ khó? Câu trả lời của một người từng trải hoặc đứng đầu bao giờ cũng là: chia thịt hổ khó hơn.

Khi đối đầu với khó khăn, chẳng cần nói nhiều đâu, tự nhiên mọi người sẽ sát cánh cùng nhau, sẽ quyết liệt đến tận cùng. Thế nhưng, thành công rồi, phân chia chiến lợi phẩm, phân chiếu chia mâm mới thật sự khó. Vì nếu không có sự tế nhị, nhẹ là chạnh lòng, nặng là phản ứng.

Như chuyện trong thể thao, đặc biệt là Việt Nam, ai mà chẳng biết bóng đá nam mới là thể thao vua. Dễ xem, dễ hiểu, lại được từ già đến trẻ, từ gái đến trai đều thích. Thích vì nhiều lý do, nhưng vẫn cứ là thích.

Thế mới có chuyện, khi đội bóng đá nam đoạt chức vô địch SEA Games, giới truyền thông Việt Nam lẫn quốc tế đến khốn khổ vì mãi chẳng có được tấm hình ưng ý chụp trọn vẹn chỉ các thành viên đội bóng đá.

Bởi mặc cho ta lẫn Tây hò hét, các vị áo vest cứ chen vào đứng cùng đội bóng, đứng ngay trung tâm ép luôn “người có công” như ông Park văng ra sau lưng mới ác. Chưa dừng lại ở đó, quan chức ngành thể thao đứng cùng đã đành, lại thêm phần gia đình, vợ con cho đông vui rồi cứ thế mà chen vì “ối giời ôi, chờ bao năm giời mới có được phút giây này”.

Trong khi, cũng bóng đá, mà bóng đá nữ, chỉ vài quan chức liên quan đến bóng đá chung vui. Ở bơi lội, ở điền kinh, thậm chí còn phải chờ xem có quan chức nào xuống động viên để chụp hình cho các vận động viên đỡ tủi thân.

Các quan chức lẫn người thân quan chức chen nhau chụp với đội U22 Việt Nam khiến giới truyền thông thế giới ngưỡng mộ vì sự quan tâm đặc biệt này. Ảnh: Duy Anh

Các quan chức lẫn người thân quan chức chen nhau chụp với đội U22 Việt Nam khiến giới truyền thông thế giới ngưỡng mộ vì sự quan tâm đặc biệt này. Ảnh: Duy Anh

Về đến sân bay tại Việt Nam, chuyện khoảng cách giữa những “đứa con trong cùng một nhà” còn xa hơn.

Ừ thì, cả nước đang vui, hòa chung niềm vui. Ừ thì, thích môn nào chia vui cùng vận động viên môn ấy.

Nhưng, khi chia thịt hổ, có ai chợt nghĩ, các doanh nghiệp đôi khi vì những tính toán riêng của họ. Họ sẽ chỉ chọn cách chia vui, trao thưởng cùng những người đứng đầu bởi, đó còn là một phương thức để giao thiệp. Chứ còn các môn đã ít người xem, đến người đứng đầu cũng chẳng ngó ngàng gì đến, trao thưởng để làm gì?

Đòi xã hội phải công bằng, công tâm, đám đông phải hiểu chuyện - đó là điều không thể.

Nhưng, là người đứng đầu, người từng trải mà không biết cách làm cho khoảng cách ngắn lại, không biết cách động viên những nỗ lực âm thầm của những cá nhân trong thành công lớn, thì... à mà thôi.

Việt Nam vô địch, không nói nhiều.

Thảo Du

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/viet-nam-vo-dich-khong-noi-nhieu-21913.html