Việt Nam với lời nguyền tài nguyên

Phụ thuộc khá nhiều vào lợi nhuận từ các nguồn tài nguyên, Việt Nam có nguy cơ mắc phải lời nguyền tài nguyên hay căn bệnh Hà Lan nếu không có các biện pháp quản lý vĩ mô tốt.

Nguy cơ cao Việt Nam được coi là một nước giàu tài nguyên hydro-carbon (dầu mỏ và than đá), trong đó xuất khẩu của các mặt hàng này chiếm 31,2% tổng lợi nhuận từ xuất khẩu (IMF, 2007; GSO, 2007). Nếu tính cả xuất khẩu các loại khoáng sản khác, đặc biệt là kim loại như titan, đồng, kẽm...thì tỷ lệ đóng góp của tài nguyên thiên nhiên tới tổng xuất khẩu cũng như tổng thu nhập quốc dân sẽ cao hơn nhiều. Rõ ràng là Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào lợi nhuận từ các nguồn tài nguyên này và có nguy cơ mắc phải lời nguyền tài nguyên hay căn bệnh Hà Lan nếu không có các biện pháp quản lý vĩ mô tốt. Hơn nữa, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam được đánh giá là nghiêm trọng. Theo tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), trong năm 2009, Việt Nam xếp thứ 120 trên 180 quốc gia trên thế giới về tham nhũng (Transparency International, 2009). Thứ hạng về tham nhũng không có tiến triển đáng kể trong một thời gian dài. Ảnh: hatinh24h.org Trong khi đó, một trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn tới lời nguyền tài nguyên là nạn tham nhũng. Do vậy, Việt Nam có nguy cơ cao mắc phải cạm bẫy lời nguyền tài nguyên. Biết hi sinh lợi ích trước mắt Việc hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng đã bày ra những cơ hội lớn cũng như những thách thức đáng kể cho Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước. Những ảnh hưởng (tiêu cực lẫn tích cực) xuất phát từ yếu tố nội tại cũng như yếu tố bên ngoài đã và đang tác động mạnh mẽ tới Việt Nam trong chiến lược quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung vốn đã có nhiều bất cập. Ngành khai khoáng của Việt Nam đang phải đối mặt với sự phát triển thiếu bền vững do nhiều yếu tố như cơ sở pháp lý chưa chặt chẽ, mức độ thực thi pháp luật kém và ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Theo Coxhead (2007) thì sự tăng cường ảnh hưởng thương mại và đầu tư của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng xấu tới các nước trong khu vực ASEAN. Hơn nữa, những nước có nền công nghiệp kém đa dạng như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Các ngành công nghiệp như da giầy và các ngành liên quan sẽ dễ bị tổn thương nhất. Khi các ngành này suy giảm sẽ tạo ra hậu quả trên diện rộng trong việc điều chỉnh thị trường lao động. Những nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Myanmar hay các vùng cao và biên giới ven biển của Việt Nam nơi mà chính quyền trung ương kiểm soát yếu nhất sẽ có nguy cơ lớn nhất trước ảnh hưởng tiêu cực mà Trung Quốc mang lại. Do đó, Việt Nam cần xây dựng và áp dụng các chính sách cũng như thể chế tốt hơn về quản lý tài nguyên thiên nhiên cho các vùng dễ bị ảnh hưởng nhằm giảm thiểu cũng như loại bỏ những rủi ro mang lại. Hy sinh lợi ích trước mắt là điều cần thiết để đảm bảo tăng trưởng cao hơn trong tương lai. Hơn nữa, nhận biết rõ ràng những phí tổn có thể xảy ra khi khai thác quá mức các nguồn tài nguyên và hiểu rõ những ảnh hưởng của các thay đổi từ bên ngoài về thị trường toàn cầu nói chung là bước khởi đầu để thảo luận về các đổi mới chính sách và thể chế nhằm giải quyết lời nguyền tài nguyên cũng như nguồn gốc của nó. Quản chặt dòng tiền Tùy theo cấu trúc của nền kinh tế và điều kiện xã hội ở mỗi nước mà mức độ thiệt hại từ hậu quả của lời nguyền tài nguyên hay chỉ đơn thuần là căn bệnh Hà Lan sẽ khác nhau. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực từ căn bệnh Hà Lan như tăng tỷ giá tiền tệ có thể được giảm thiểu hoặc loại bỏ phần lớn nhờ vào những chính sách tài khóa phù hợp. Chẳng hạn như Chính phủ không nên chấp nhận những nguồn thu đột ngột từ các công ty đa quốc gia dưới bất kỳ dạng nào như thuế, tiền thuê mỏ hay quà tặng (Davis, 1995). Mặt khác, theo Mikesell (1997), những thu nhập đột ngột có thể được điều chỉnh qua các quỹ bình ổn vốn. Hiện nay, hầu hết lợi nhuận từ các hoạt động khai khoáng đều do nhà nước quản lý, do vậy Chính phủ có thể điều chỉnh các nguồn thu bột phát thông qua hệ thống ngân hàng trung ương. Một chính sách khác có thể giúp ngăn chặn đà tăng giá đồng nội tệ là yêu cầu các công ty khai khoáng bán trực tiếp các khoản thu đột xuất cho ngân hàng trung ương hay ngân hàng trung ương có thể mua ngoại hối từ thị trường nhằm ngăn chặn giá trị tỷ giá hối đoái danh nghĩa (nominal exchange) của đồng nội tệ. Những khoản thu đột ngột từ xuất khẩu khoáng sản nên được đầu tư vào phát triển giáo dục, các dự án sinh lợi hoặc vào dự trữ ngoại hối và tài sản nước ngoài nhằm duy trì đầu tư trong các giai đoạn lợi nhuận thu được từ xuất khẩu thấp cũng như tránh rủi ro và bảo tồn nguồn vốn. Các chính sách này cần được đan xen với các chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp để ngăn chặn lạm phát và thâm hụt ngân sách do tăng cường chi tiêu công. Minh bạch ngành khai khoáng Nhằm ngăn chặn cạm bẫy lời nguyền tài nguyên cũng như tăng cường khả năng giám sát và đánh giá của chính phủ, thì những qui định và cơ chế về minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là về nguồn thu là rất cần thiết. Mặc dù công khai minh bạch thông tin đã được đề cập trong Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11, Luật phòng chống tham nhũng số 55/2005/QH11 cũng như trong các Văn kiện Đại hội Đảng IX và X, tuy nhiên chưa có một hệ thống rõ ràng để thúc đẩy minh bạch hóa thông tin trong ngành khai khoáng. Việc tham gia vào sáng kiến minh ngành công nghiệp khai thác -EITI sẽ là một trong các lựa chọn đúng đắn. Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc tham gia sáng kiến này. Cụ thể là nhà nước sẽ thu được tối đa nguồn thu từ các hoạt động khai khoáng, giảm thiểu tham nhũng và căng thẳng/xung đột xã hội, tăng cường dân chủ thông qua việc tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình lập định chính sách; tạo môi trường đầu tư tốt hơn và củng cố lòng tin với các đối tác, đặc biệt là với các nhà đầu tư quốc tế về cam kết của chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng và thúc đẩy quá trình minh bạch hóa thông tin. Tránh bẫy tài nguyên, cách nào Một vài kiến nghị cho Việt Nam để tránh lời nguyền tài nguyên: Một là, duy trì các chính sách tài khóa chặt chẽ trong các thời kỳ bùng nổ tài nguyên, đặc biệt khi các tài nguyên thiên nhiên này chiếm một phần chủ yếu của nền kinh tế địa phương hoặc quốc gia. Một lựa chọn là gửi nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản vào một quỹ tài chính. Ví dụ về thành công này có thể thấy trong trường hợp Na Uy, Ả Rập Saudi và các nước khác (Larsen, 2005). Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Sala-i-Martin & Subrmamanian (2003), không có lựa chọn tốt nhất cho một quốc gia mà tính minh bạch còn yếu kém hoặc thiếu tính minh bạch. Trong điều kiện đó, việc giảm khai thác là một lựa chọn tốt hơn. Cũng theo Sala-i-Martin & Subramanian (2003): " Chưa khai thác dầu khí và khoáng sản dưới lòng đất là một hình thức tiết kiệm". Tái phân phối các khoản thanh toán là một lựa chọn khác để kiểm soát chi tiêu trong giai đoạn bùng nổ tài nguyên. Quỹ tiền tệ thế giới khuyên rằng các khoản thanh toán phân phối lại phải được dành cho người trưởng thành, mà tốt hơn là cho phụ nữ, và sau đó nguồn thu của chính phủ từ khai khoáng sẽ được tái thu thông qua các loại thuế (Sala-i-Martin & Subramanian, 2003). Ross (2001) cho rằng, điều này sẽ nâng cao trách nhiệm giải trình của chính phủ bởi vì các khoản thu sẽ bắt nguồn từ một căn cứ tính thuế rộng rãi. Ba là, cần tái đầu tư nguồn thu từ dầu mỏ để tăng cường cho các ngành phi thương mại. Như trường hợp của Indonesia, điều này sẽ giảm thiểu các hiệu ứng trì trệ trong sản xuất, chế tạo và nông nghiệp, trong khi cũng có khả năng giúp đỡ để tránh lãng phí hay chi tiêu bừa bãi. Bốn là, hãy duy trì nếu không thể tăng đầu tư giáo dục, cả ở Việt Nam và đặc biệt tại các tỉnh có hoạt động khai thác khoáng sản nơi mà phụ thuộc chặt chẽ vào khoáng sản,. Đầu tư vào giáo dục cũng là một phương tiện để đạt được phát triển bền vững ngành khai khoáng bằng cách giúp chuyển vốn tự nhiên vào vốn con người (Crowson, 2009). Năm là, cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công trong việc quản lý phát triển khoáng sản. Thể chế minh bạch và trách nhiệm giải trình là những cơ chế cần thiết để tránh nạn tham nhũng và tìm kiếm địa tô không mong muốn trong ngành khai khoáng. Một trong các biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là tham gia vào sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai thác -EITI (Extractive Industries Transparency Initiative).

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.net/2010-05-25-viet-nam-voi-loi-nguyen-tai-nguyen