Việt Nam xây dựng môi trường Tri thức Việt số hóa

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam đang xây dựng môi trường Tri thức Việt số hóa, thu thập, tổng hợp các kiến thức của Việt Nam và của các nước để biên tập lại dưới dạng hỏi đáp đơn giản cho mọi ngành nghề, lứa tuổi; cố gắng tạo kho dữ liệu và khuyến khích các startup trẻ tận dụng kho dữ liệu để tạo ra nhiều ứng dụng thông minh cho mọi người...

Phiên thảo luận “Tương lai việc làm ở ASEAN”

Trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018, ngày 13/9 đã diễn ra Phiên thảo luận “Tương lai việc làm ở ASEAN” với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các diễn giả nước ngoài.

Chia sẻ từ góc độ Chính phủ Việt Nam về những thách thức, cơ hội về việc làm trong tương lai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tại Việt Nam, người dân nói chung, đặc biệt là giới trẻ rất lạc quan về cuộc cách mạng 4.0 dù nhận thức được nó đi kèm với những thách thức.

Theo Phó Thủ tướng, cuộc cách mạng 4.0 sẽ mang nhiều nghề mới nhưng sẽ có rất nhiều nghề bị thay thế, trong đó, đặc biệt có nghề mà những nước như Việt Nam đang có tỷ trọng rất lớn như dệt may, da giày, xây dựng hay những công việc mà phụ nữ chiếm đa số trong các nhà máy điện tử.

Theo Phó Thủ tướng, ở Việt Nam, 38% tổng số lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay vẫn canh tác. Tuy nhiên, người nông dân có thể cải thiện kỹ năng, trình độ trong sản xuất để tiếp tục canh tác, tạo ra những công nghệ mới, tiếp cận với khách hàng không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới để bán hàng, cung cấp dịch vụ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Phiên thảo luận

Chia sẻ về chương trình chuyển đổi việc làm và hỗ trợ người lao động thích ứng với những việc làm mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đang có nhiều dự án khác nhau, trong đó có dự án đổi mới các chương trình đào tạo từ bậc phổ thông cho đến dạy nghề và đào tạo trong các trường đại học trên tinh thần tương thích với một khung trình độ, trước hết là của ASEAN, sau đó là khung trình độ quốc tế. Trẻ em Việt Nam thay vì học thụ động, thay vì đươc dạy biết vâng lời phải nghĩ khác. Một trong những điểm rất quan trọng là làm cho các em ngay từ thuở bé ý thức được thế giới tương lai rất khó đoán định trước.

Việt Nam đang xây dựng môi trường Tri thức Việt số hóa, thu thập, tổng hợp các kiến thức của Việt Nam và của các nước để biên tập lại dưới dạng hỏi đáp đơn giản cho mọi ngành nghề, lứa tuổi; cố gắng tạo kho dữ liệu và khuyến khích các startup trẻ tận dụng kho dữ liệu để tạo ra nhiều ứng dụng thông minh cho mọi người, vừa để phát triển việc khởi nghiệp vừa tạo ra ứng dụng hỗ trợ thuận lợi hơn cho người dân trong việc học tập và cuộc sống nói chung.

Bà Francesca Chia - Đồng sáng lập và điều hành Trung tâm đào tạo Goget (Malaysia)

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự linh hoạt trong quá trình chuyển đổi việc làm, bà Francesca Chia - Đồng sáng lập và điều hành Trung tâm đào tạo Goget (Malaysia) - khẳng định, trang bị kỹ năng số cho người trẻ cũng như những người lớn tuổi để cập nhật các kỹ năng tốt, kiến thức mới là một trong những phương thức giúp sự chuyển đổi việc làm trở nên hợp lý với nhu cầu thị trường lao động.

Người lao động cần chủ động vươn lên trong bậc thang giá trị, đảm bảo nghiên cứu, tư duy lựa chọn phù hợp trong quá trình chuyển dịch, bởi đây là nền tảng thúc đẩy những thay đổi về hành vi. Hệ thống giáo dục ở các quốc gia cũng cần tạo cơ chế cung cấp, trang bị dữ liệu phong phú hơn cho các nhà giáo nói riêng và người dân nói chung để cổ vũ cho tinh thần học tập không ngừng nghỉ, tạo nên sự vận động, thích ứng với những thay đổi của xã hội.

Ông Haoliang Xu, Phụ trách Chương trình Phát triển Liên hợp quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Đánh giá về nguồn nhân lực trong khu vực, ông Haoliang Xu, Phụ trách Chương trình Phát triển Liên hợp quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng, ASEAN là khu vực có dân số đông, với tỷ lệ dân số trẻ cao. Vì vậy, các chính phủ và doanh nghiệp cần thích ứng với yêu cầu này, hướng đến môi trường thuận lợi cho người lao động để họ lựa chọn, tạo lưới an sinh xã hội để người lao động trụ vững trước những cú sốc đến từ cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, các quốc gia cần chú trọng nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn để khai thác tiềm năng về nhu cầu việc làm.

Theo nghiên cứu của hãng công nghệ Cisco, trong 10 năm tới, 6 nền kinh tế ASEAN gồm Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines sẽ có 28 triệu công việc của người lao động bị ảnh hưởng công việc do vị trí thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, sẽ có 6,6 triệu lao động cần được đào tạo thêm các kỹ năng mới như: Giải quyết vấn đề, tư duy thiết kế, giải quyết xung đột..., giúp người lao động linh hoạt hơn, đáp ứng được thị trường lao động phát triển không ngừng.

AI sẽ tạo ra thêm 4,5 triệu công việc mới tại khu vực ASEAN trong vòng 1 thập kỷ tới. Trong đó, 1,8 triệu việc tạo ra trong ngành bán buôn bán lẻ; 0,9 triệu việc trong ngành chế tạo; 1 triệu việc trong ngành xây dựng; 0,4 triệu việc trong khối khách sạn, nhà hàng, một số ngành dịch vụ khác...

Ngự Bình Ảnh: WEF

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/viet-nam-xay-dung-moi-truong-tri-thuc-viet-so-hoa-post48360.html