Việt Nam xếp thứ 4 khu vực trong công bố quốc tế xã hội nhân văn

Thông tin này đã được nêu ra trong hội thảo khoa học Công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 16.1.

Khung cảnh buổi hội thảo ngày 16.1 - Ảnh: Bảo Hân

Những con số khiêm tốn

Trong bài tham luận của mình, nhóm tác giả GS-TS Phạm Quang Minh và PGS-TS Nguyễn Văn Chính (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) đã nêu ra bức tranh khiêm tốn về công bố quốc tế trong lĩnh vực này ở nước ta.

Theo đó, tổng số lượng công bố quốc tế ISI của 15 trường ĐH hàng đầu Việt Nam trong các năm 2011 - 2015 rất khiêm tốn với chỉ 248 bài. So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam có số lượng công bố quốc tế ISI tăng dần từ 190 bài năm 2013 lên 487 bài năm 2018 (xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan - tức đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á).

Còn theo thống kê của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho thấy từ 7 công bố quốc tế năm 2010 đã tăng lên 79 bài năm 2018. Tuy nhiên thực tế là bài viết vẫn chủ yếu tập trung ở một số tác giả nhất định, những người đã từng được đào tạo hoặc tu nghiệp ở nước ngoài, thường xuyên có công bố quốc tế.

Năm học 2017 - 2018, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội có số công bố quốc tế nhiều nhất nhưng cũng chỉ mới có 54 cán bộ tham gia viết bài, trung bình 1,5 bài/tác giả. So với tiềm lực của trường với 380 giảng viên, trong đó có 112 giáo sư và phó giáo sư, 133 tiến sĩ và 147 thạc sĩ thì số người có công bố quốc tế vẫn rất khiêm tốn.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cũng nhìn nhận, năng lực công bố quốc tế còn rất hạn chế trong lĩnh vực xã hội nhân văn là một nan đề phức tạp của các trường ĐH Việt Nam. Chẳng hạn, trong danh sách 200 công bố trên các tạp chí quốc tế (thuộc danh mục SCI, SCIE và được xếp hạng Q1) của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2018, không có bài nào thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn.

Mạnh tay “mua” bài ISI

Trong bài tham luận của mình, tiến sĩ Huỳnh Văn Thông nhấn mạnh: “Những con số về năng lực công bố học thuật quốc tế trong lĩnh vực xã hội nhân văn gần như không thay đổi là bao hoặc nếu có thay đổi thì vẫn tiềm tàng những yếu tố không bền vững. Chẳng hạn, có trường mạnh tay theo đuổi giải pháp “mua” bài ISI, tức là trả tiền khá cao để “mua” bài ISI/Scopus”. Theo ông Thông, đó là một cách tiếp cận chạy theo năng suất chứ chưa đáp ứng yêu cầu về tính hiệu quả.

Một trong các nguyên nhân sâu xa được nêu ra ở đây là quá trình đào tạo ra các nhà nghiên cứu, từ bậc ĐH đến tiến sĩ. Dù việc xây dựng ĐH nghiên cứu đã được nói từ lâu nhưng hầu hết các trường, chương trình đào tạo và phương pháp vẫn duy trì theo cách cũ. Do không được làm quen với cách tiến hành một nghiên cứu khoa học, trình bày kết quả nghiên cứu và kỹ năng viết một bài báo khoa học nên rất lúng túng khi bắt tay vào làm nghiên cứu.

Do vậy, bên cạnh chính sách khen thưởng và hỗ trợ công bố khoa học thì lâu dài cần thay đổi căn bản đào tạo ở ĐH theo hướng nghiên cứu thay vì hình thức giảng dạy truyền đạt tri thức một chiều.

Cũng theo tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, có thể đề xuất giải pháp thiết lập và áp dụng nghiêm túc yêu cầu đánh giá hậu tuyển thường xuyên với các giảng viên đã được bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Cụ thể đặt ra yêu cầu có ít nhất 1 công bố ISI hoặc Scopus có học hàm này trong chu kỳ khoảng 3 năm.

“Giải pháp này thúc đẩy các giảng viên có học hàm phải bước ra khỏi 'vùng an toàn' để thực hiện chức phận tương xứng với học hàm, đặt việc nghiên cứu, công bố quốc tế vào phạm trù danh dự học thuật của học hàm”, ông Thông lý giải.

Hà Ánh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/viet-nam-xep-thu-4-khu-vuc-trong-cong-bo-quoc-te-xa-hoi-nhan-van-1044147.html