Việt Nam xếp thứ hai danh sách bị từ chối nhập khẩu mặt hàng thủy sản

Tại sự kiện triển lãm VietFish 2018 diễn ra tại TP HCM ngày 22/8, ông Cormac O'Sullivan - Giám đốc Chứng nhận Thủy sản Toàn cầu (SGS), công bố dữ liệu vào tháng 11/2017 cho thấy các thị trường châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ đã từ chối nhập khẩu 62 vụ liên quan đến mặt hàng thủy sản Việt Nam do vượt quá dư lượng thuốc được chấp nhận.

Việt Nam xếp thứ hai trong danh sách bị từ chối, chỉ đứng sau Trung Quốc (92 vụ). Thái Lan xếp thứ tư song chỉ có 11 vụ.

Ông Cormac O’Sullivan cho rằng, hiện tại, châu Âu nhập khẩu trên 65% và Mỹ nhập khẩu trên 90% tổng lượng thủy sản của các nước Đông Nam Á.

Chính vì nhu cầu đó nên các nhà bán lẻ hàng đầu như Walmart, LIDL, ASAD, Metro đều yêu cầu tất cả các nhà cung cấp thủy sản tươi và đông lạnh phải được bên thứ ba chứng nhận sự bền vững hoặc chứng nhận bởi chương trình theo hướng dẫn FAO (Tổ chức Nông lương thế giới). Trong đó, Global GAP vẫn là tiêu chuẩn được nhiều nhà bán lẻ lựa chọn.

Còn chuyên gia về chứng nhận thủy sản ASC là ông Roy Van Daatselaar cho biết Việt Nam hiện có 102 trại nuôi nhận được chứng nhận ASC (chiếm gần ½ số trại nuôi của châu Á) và đứng thứ hai thế giới sau NaUy.

Những mặt hàng nông sản Việt Nam dán nhãn ASC tạo ra giá trị là cá tra, tôm thẻ, tôm sú. Theo các chuyên gia, sản phẩm tôm tươi và đông lạnh chiếm đến 23% nhu cầu của thị trường Mỹ nên cơ hội kinh doanh cho Việt Nam là rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Lâm Văn Xự - chuyên gia về kiểm định thực phẩm xuất khẩu, cảnh báo vi sinh và virus của EU đối với tôm nguyên con đông lạnh từ Viêt Nam ở mức 7/18.

Về nguồn lây nhiễm, ông Xự cho rằng tôm chín bị nhiễm trong quá trình sản xuất là do chưa phân lập tốt giữa khu vực sản xuất tôm chín với khu vực sản xuất tôm sống, nguồn nước xử lý tại nhà máy chưa đảm bảo...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/viet-nam-xep-thu-hai-danh-sach-bi-tu-choi-nhap-khau-mat-hang-thuy-san-3945960-c.html