Việt Nam xuất khẩu tôm sang EU đạt 134,9 triệu USD

Xuất khẩu (XK) tôm sang thị trường EU trong ba tháng đầu năm nay đạt 134,9 triệu USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái và được dự đoán sẽ tăng trưởng tốt nhờ hiệp định thương mại tự do EVFTA.

Lợi thế vàng khi thuế xuất khẩu về 0

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) EU đang là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 18,2% tổng kim ngạch. Xuất khẩu tôm sang thị trường này trong ba tháng đầu năm nay đạt 134,9 triệu USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ba thị trường chính trong khối EU là Hà Lan, Đức và Bỉ đều tăng trưởng ở mức 2 con số. Xuất khẩu sang Hà Lan và Đức tăng lần lượt 76,3% và 55,3% trong khi xuất khẩu sang Bỉ tăng trưởng thấp hơn đạt 18,9%.

Xuất khẩu tôm sang EU trong 2 năm 2017-2018. (Ảnh VASEP)

EU chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam. Theo cam kết, ngay khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, thuế XK tôm nguyên liệu mã HS 03061100 và HS 03061710 sang EU từ mức hiện tại là 12.5% và 20% xuống 0%. Như vậy, mặc dù đang bị dính “thẻ vàng” nhưng ngày khi Hiệp định có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam trong đó có mặt hàng tôm sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.

Đối với sản phẩm tôm chế biến, tôm mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) và tôm mã HS 16052190 (tôm khác) từ mức 20% hiện tại sẽ điều chỉnh về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Trên thị trường EU, Việt Nam phải cạnh tranh chủ yếu với Ấn Độ và Ecuador. Trong khi Ấn Độ có xu hướng giảm xuất khẩu tôm cho EU do gặp phải một số khó khăn thì Ecuador ngày càng đẩy mạnh bán tôm sang thị trường này. Ecuador có nhiều lợi thế hơn Việt Nam trong sản xuất tôm và hiện đang được hưởng ưu đãi thuế quan 0%; giảm từ 3,6% trước đó.

Hiện tại, mức thuế GSP mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh (HS 160521) là 7%.

Tận dụng thời cơ "đi tắt đón đầu"

Trước tình hình đó, VASEP khuyến cáo, trong quá trình EVFTA đang được phê chuẩn, doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác để có kế hoạch XK phù hợp.
Theo nhận định của Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe, năm 2018 tôm có nhiều cơ hội tăng trưởng, nhất là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Mặc dù vậy, ông Hòe cũng khẳng định: EU là thị trường có quá nhiều quy định kỹ thuật khắt khe về an toàn thực phẩm, môi trường và phát triển bền vững cho nên nếu chỉ có cơ hội về thuế mà không đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật thì doanh nghiệp xuất khẩu cũng khó trụ được. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi EU đang áp “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam vì các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý.

Xuất khẩu tôm sang EU có nhiều lợi thế khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. (Ảnh minh họa)

Do đó, doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm để tiếp cận thị trường nhất là khi EVFTA có hiệu lực với cơ hội về thuế.

Đồng thời, ngành thủy sản buộc phải định hướng phát triển ở góc độ nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm từ phương thức nuôi trồng, đánh bắt, truy xuất nguồn gốc đến công nghệ chế biến, an toàn thực phẩm, hình thức đóng gói, truyền thông quảng bá… Trong đó, phải đưa chất lượng lên hàng đầu, coi đó là mấu chốt trong chiến lược phát triển xuất khẩu thủy sản.

Theo dự báo, với nhu cầu tiêu thụ tăng nhờ tăng trưởng kinh tế tốt hơn, một số sản phẩm như tôm chân trắng chế biến, tôm sú tươi/đông lạnh sẽ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng XK mạnh sang EU trong thời gian tới.

H.Lâm

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/viet-nam-xuat-khau-tom-sang-eu-dat-134-9-trieu-usd-38208