Việt Nam xúc tiến xuất khẩu tàu tên lửa Molniya 1241.8 tại Triển lãm Indo Defence 2018

Tại Triển lãm quốc phòng Indo Defence 2018 diễn ra ở thủ đô Jakarta của Indonesia, Việt Nam đã trưng bày những sản phẩm công nghiệp quốc phòng nổi bật của mình.

 Tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Indo Defence 2018, phía Việt Nam có các đại diện đến từ 3 đơn vị đó là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội - Viettel và Tổng công ty vật tư quốc phòng.

Tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Indo Defence 2018, phía Việt Nam có các đại diện đến từ 3 đơn vị đó là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội - Viettel và Tổng công ty vật tư quốc phòng.

Các gian hàng của Việt Nam đã giới thiệu đến phía bạn những loại súng bộ binh hiện đại do chúng ta tự sản xuất trong nước theo dây chuyền mà Israel chuyển giao, hay mặt hàng điện tử viễn thông, máy bay không người lái do Tập đoàn Viettel nghiên cứu chế tạo.

Ngoài việc khẳng định vị thế và thành tựu công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong thời gian qua, việc góp mặt tại Hội chợ triển lãm quốc tế về trang thiết bị quân sự còn cho thấy rõ chúng ta có ý định xuất khẩu vũ khí "Made in Viet Nam" ra ngoài thị trường thế giới.

Ngoài những sản phẩm đã liệt kê ở trên, một chi tiết rất đáng lưu tâm nữa đó là các doanh nghiệp đóng tàu trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã mang sang Indonesia mô hình những lớp tàu tiên tiến nhất do Việt Nam đóng trong nước.

Tiêu biểu ở đây là tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8, tàu tuần tra đa năng cỡ lớn DN-2000, tàu tuần tra cỡ nhỏ SPa 4207, hay một số mẫu tàu kéo và tàu cứu hộ khác.

Đây đều là những sản phẩm đã phục vụ trong biên chế Hải quân Việt Nam cũng như xuất khẩu sang một số cường quốc về hàng hải như Anh hay Australia.

Theo đánh giá thì tại Đông Nam Á, Việt Nam có triển vọng xuất khẩu tàu tuần tra kiểu TT-400 cho lực lượng tuần duyên Philippines hay Campuchia.

Trong khi đó mẫu tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 cũng đang nhận được sự quan tâm không hề nhỏ của một số lực lượng hải quân trong khu vực.

So với những sản phẩm tương đương đang được Hải quân các quốc gia ASEAN sử dụng thì chiếc Molniya 12418 của Việt Nam nổi trội ở dàn hỏa lực cũng như trang thiết bị điện tử sánh ngang nhiều khinh hạm 2.000 tấn, vượt xa các lớp tàu dưới 1.000 tấn khác.

Nếu xuất khẩu được tàu tên lửa Molniya 1241.8 tới một vài quốc gia Đông Nam Á thì sẽ có tác dụng rất lớn trong việc xác lập vị trí của ngành đóng tàu quân sự Việt Nam, đồng thời mang về nguồn ngoại tệ quan trọng để tăng cường tiềm lực quốc phòng.

Vấn đề vướng mắc duy nhất ở đây chỉ là nếu muốn xuất khẩu tàu tên lửa Molniya 1241.8 thì Việt Nam sẽ phải đàm phán bản quyền và chia sẻ lợi nhận với nhà thiết kế Nga.

Tuy nhiên theo đánh giá thì quá trình này có lẽ cũng không phải vấn đề lớn nếu chúng ta nhận được hợp đồng xuất khẩu chính thức.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-viet-nam-xuc-tien-xuat-khau-tau-ten-lua-molniya-12418-tai-trien-lam-indo-defence-2018/789268.antd