Viết tiếp những giấc mơ đến giảng đường

'Mọi lối thoát của học trò quê nghèo đều nằm ở cánh cổng ấy, bởi từ khi cắp sách đến trường, chúng tôi đã tin rằng tri thức là nơi bắt đầu cho ước mơ thoát nghèo' - xin dẫn lời của cô sinh viên Văn Hoa Hải Đường để nói về hành trình mà em và nhiều tân sinh viên khó khăn được đi qua: Tiếp sức đến trường.

Ngày 12-08-2018, Phát Đạt đại diện Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Ngãi trao tặng 500 triệu đồng vào Quỹ Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.

Ước mơ nảy mầm từ rẫy cà, ruộng ớt…

Nhà nghèo, mồ côi, cha mẹ bệnh tật,... mỗi người một nỗi niềm bi đát nhưng tất cả các em đều rơi vào hoàn cảnh chung: Không có tiền đi học. Giữa lúc ấy, học bổng Tiếp sức đến trường đã kịp thời đến với các em, viết tiếp ước mơ tưởng chừng dang dở của những cô cậu mười tám, đôi mươi đầu đời.

Hải Đường - cô gái nhỏ bé sống một mình trong căn chòi nát giữa vườn cà phê từ năm 2011 đến 2015, với 10.000 đồng tiền thức ăn trong một tháng cho bữa ăn chỉ toàn rau dại, tóp mỡ trộn đường, muối. Hải Đường xuất hiện trên số báo ngày 08-10-2015, đã lấy đi không ít nước mắt của bạn đọc Tuổi Trẻ khi biết về hoàn cảnh của em, và nước mắt lại rơi thêm một lần nữa mừng cho em bước chân vào cánh cổng Trường đại học Tài chính - Marketing TP.HCM, nhờ học bổng Tiếp sức đến trường.

Những ngày tháng tám này, khi các trường đại học liên tiếp công bố điểm chuẩn cũng là lúc nhiều cô cậu tân sinh viên thấp thỏm lo âu nhận tờ giấy báo nhập học.

Đó là Hoàng Thị Diệu Hiền, cô bé có “thâm niên” 10 năm hái ớt thuê, mang theo hành trang nhập học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vỏn vẹn 3 bộ quần áo cũ thời cấp III và 200.000 đồng tiền công hái ớt thuê của ba mẹ con. Không khỏi chạnh lòng khi biết Diệu Hiền tính bán máu để lấy tiền đi học!...

Đó là Nguyễn Bảo Trang, cô sinh viên Quảng Ngãi đã mất cả cha lẫn mẹ, không có nhà và ngay cả việc làm giấy xác nhận mồ côi cũng cực kỳ khó khăn. Trang đã đi qua ba mùa tết không có nhà để về, phải tìm đến những quán cà phê để làm thêm. Thế nhưng cô gái ấy đã không gục ngã, liên tiếp đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và đậu thẳng vào trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn với số điểm 23,5.

Và còn nhiều ước mơ khác giữa những miền quê khô cằn sỏi đá, trên tất cả, họ đã nỗ lực vươn tới giảng đường đại học, quyết tâm thay đổi cuộc đời mình.

Và năm thứ 16 “Tiếp sức đến trường”

“Nếu bạn cần tiếp sức, hãy gọi báo Tuổi Trẻ. Nếu bạn biết các trường hợp tân sinh viên cần giúp đỡ, hoặc có thể đóng góp tài chính, dụng cụ học tập, chỗ ở, việc làm..., hãy liên hệ với báo Tuổi Trẻ”. Từ lời kêu gọi ấy, nhiều tấm lòng hảo tâm đã chung tay hỗ trợ, đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ từ những số tiền lớn nhỏ hay mỗi lượt đăng tải, chia sẻ trên facebook. Có những em nhỏ nhịn ăn sáng để quyên góp tiền, có thầy giáo gom góp lương hưu để dành hẳn 10 triệu đồng - tương ứng với số tiền của một suất học bổng, và cũng có những doanh nghiệp đồng hành miệt mài, từ năm này qua năm khác.

Chặng đường 16 năm ấy, Tuổi Trẻ luôn có sự góp sức của những mạnh thường quân như ông Nguyễn Văn Đạt (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt). Năm 2012, vị doanh nhân này đã dốc lòng hỗ trợ 5 tỷ đồng, vận động bạn bè thêm được 1 tỷ đồng để lập quỹ Tiếp sức đến trường, giúp đỡ các sinh viên khó khăn trên quê hương Quảng Ngãi. Vậy là sẽ có thêm nhiều bạn trẻ trên dải đất ven biển miền Trung được bước chân vào đại học, như Bảo Trang, mở ra một chặng đường mới cho bản thân, gia đình, quê hương của các em.

Còn nhiều lắm những tấm lòng vàng đang hướng về các tân sinh viên khó khăn học giỏi, đó là cái nắm tay san sẻ với tân sinh viên lúc khó khăn ngặt nghèo, để xã hội có thêm nhiều bác sĩ, kỹ sư, giáo viên,… và để nước mắt không phải rơi thêm trên những rẫy cà, ruộng ớt…

HÀ PHƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/viet-tiep-nhung-giac-mo-den-giang-duong-3468230.html