Viết tiếp những trang vàng 'Thần tốc- Quyết thắng'

Bằng cuộc hành quân 'thần tốc', chỉ trong 12 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 đã vượt chặng đường dài hơn 1.700km, kịp thời tham gia chiến đấu trên hướng Bắc Sài Gòn; chuyển 'yếu tố thời gian thành lực lượng', cùng các lực lượng khác đập tan sức đề kháng cuối cùng của địch, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến công 'thần tốc' ấy đã góp phần làm nên truyền thống 'Thần tốc- Quyết thắng' của Quân đoàn 1.

Các đại biểu trao đổi tại cuộc tọa đàm.

Binh đoàn chủ lực đầu tiên và sự trưởng thành vượt bậc

Sáng 11-10, tại Ninh Bình, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 tổ chức tọa đàm “Binh đoàn Quyết thắng 45 năm “Thần tốc- Quyết thắng””. Tham dự tọa đàm có Thượng tướng, Viện sĩ, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Mai Quang Phấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, tỉnh Ninh Bình, thành phố Tam Điệp; lãnh đạo Quân đoàn 1 qua các thời kỳ và đại diện cán bộ, chiến sĩ quân đoàn cùng lãnh đạo và đại diện cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo QĐND...

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND; Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân đoàn 1 và Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 1 đồng chủ trì tọa đàm.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn phát biểu đề dẫn tọa đàm.

Cuộc tọa đàm được tổ chức trong những ngày này càng trở nên ý nghĩa bởi chỉ còn ít ngày nữa là Quân đoàn 1 tròn 45 năm tuổi. Buổi chiều trước hôm tọa đàm, “đại bản doanh” của Quân đoàn 1 chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc, từ sự thấp thỏm đợi chờ, đến những cái ôm thật chặt của những “người bạn chiến đấu” đã một thời chung một chiến hào, một thời cùng vào sinh ra tử ở Binh đoàn Quyết thắng. Trước khi khai mạc tọa đàm, quân đoàn tổ chức lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ. Giữa hương trầm ngan ngát không gian, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp lại bồi hồi nhớ về một quân đoàn buổi đầu “trứng nước”. Ngày 15-10-1973, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Chính trị thành lập các quân đoàn chủ lực cơ động trực thuộc Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến trước mắt, đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch chiến lược cơ bản của cách mạng miền Nam. Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 24-10-1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định số 142/QĐ-QP thành lập Quân đoàn 1.

Đại tá Phạm Duy Tân phát biểu tại tọa đàm.

Từng tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, Đại tá Phạm Duy Tân, nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 1 và Phó tư lệnh Quân đoàn 3, bồi hồi nhớ lại: Tên gọi "Binh đoàn Quyết thắng" được hội nghị Đảng ủy lần thứ 2 của quân đoàn (6-1-1974) thông qua, nó thể hiện ý chí chiến đấu sẵn có của các đơn vị trong đội hình quân đoàn, đồng thời thể hiện truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội ta.

Ngay sau khi thành lập, các đơn vị của Quân đoàn 1 khẩn trương bước vào mùa huấn luyện đầu tiên với khẩu hiệu hành động "Toàn quân đoàn là một trường huấn luyện", "Toàn quân đoàn xây dựng giỏi để đánh thắng quân thù". Công tác huấn luyện được thực hiện với trọng tâm: Chú trọng huấn luyện phân đội nhỏ, huấn luyện chiến sĩ thuần thục các động tác cơ bản, biết chiến đấu độc lập và chiến đấu trong đội hình trung đội, đại đội; cả trong chiến đấu tiến công và chiến đấu phòng ngự. Quân đoàn từng bước được xây dựng thành một binh đoàn chủ lực, cơ động chiến lược, có khả năng chiến đấu cao, sức cơ động lớn và đột kích mạnh, có khả năng tác chiến tập trung hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 1 vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ SSCĐ bảo vệ miền Bắc, vừa tổ chức cuộc hành quân “thần tốc” chưa từng có trong lịch sử quân đội ta từ Bắc vào Nam; chủ động nắm và chớp thời cơ, hạ quyết tâm chính xác, vận dụng sáng tạo nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng, phù hợp với thực tiễn chiến trường. Với cách đánh “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Quân đoàn 1 đã tiến công đánh chiếm những mục tiêu quan trọng có tính chiến lược trong hệ thống phòng thủ của địch; tiêu diệt, bắt sống và bức hàng toàn bộ Sư đoàn 5 địch, giải phóng tỉnh Bình Dương; thọc sâu, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, quận lỵ Gò Vấp, Tiểu khu Gia Định, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho rằng, thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ tổ chức, chỉ huy, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng của Quân đội ta nói chung, của Quân đoàn 1 nói riêng. Quân đoàn 1 đã tổ chức, sử dụng lực lượng thọc sâu chiến dịch tạo ưu thế về sức mạnh, đánh chiếm mục tiêu chiến lược, giành thắng lợi; tạo lập thế trận thọc sâu vững chắc, sẵn sàng đột kích đánh chiếm mục tiêu đảm nhiệm; tập trung lực lượng hợp lý, kết hợp giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và nhân dân tạo nên thế trận bao vây chia cắt vừa tập trung vừa rộng khắp trong địa bàn chiến dịch; kết hợp chặt chẽ giữa hỏa lực tập trung có trọng điểm của các sư đoàn với hỏa lực của bộ đội binh chủng hợp thành để hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Tham luận tại tọa đàm, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định, Quân đoàn 1 đã quán triệt sâu sắc chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Chỉ huy chiến dịch, chủ động nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình mạnh, yếu của địch và khả năng của quân đoàn, trên cơ sở đó đề ra phương pháp tiến hành tiến công địch một cách đúng đắn, sáng tạo; phát huy được sức mạnh tổng hợp lớn nhất, áp đảo địch vào những trận đánh và thời cơ quyết định.

Đến với buổi tọa đàm có lãnh đạo tỉnh Quảng Trị- địa phương gắn bó và có nghĩa tình đặc biệt với các đơn vị của Quân đoàn 1 trong những năm kháng chiến gian khổ, ác liệt nhất. Đồng chí Phạm Đức Châu, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị chia sẻ tại tọa đàm: Hầu hết các đơn vị của Quân đoàn 1 đều tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, đã sát cánh cùng với các đơn vị bạn, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị của Quân đoàn 1, vì quê hương, đất nước mãi mãi nằm lại mảnh đất Quảng Trị, khi tuổi đời còn rất trẻ. Quảng Trị hôm nay dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng quân và dân Quảng Trị luôn động viên nhau, quyết tâm phát huy nội lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đồng thời thành kính tri ân với sự hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn 1.

Đồng chí Phạm Đức Châu phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên phóng viên Báo QĐND từ năm 1950, năm nay 96 tuổi, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, viết bài báo ngay tại mặt trận về việc Sư đoàn 312 cùng các đơn vị bạn bắt sống Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; có mặt, phản ánh sự kiện Bác Hồ căn dặn Sư đoàn 308 ngày 19-9-1954, trước khi về tiếp quản thủ đô. Đồng chí cũng theo các cánh quân giải phóng miền Nam và đánh thẳng vào Sài Gòn cuối tháng 4-1975. Về dự tọa đàm, đồng chí có tham luận gửi Ban tổ chức. Trong tham luận, đồng chí bồi hồi nhớ về những gương mặt tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ của Quân đoàn 1- những người sống chan hòa, tình cảm, song anh dũng tuyệt vời trong chiến đấu. “Trong dịp kỷ niệm 45 năm thành lập quân đoàn, tôi bỗng có một ý nghĩ so sánh: Ngày xưa, gần 200 năm trước, anh hùng Nguyễn Huệ từ Nam ra Bắc, dừng quân tập kết tại Tam Điệp, để tiến công giải phóng Thăng Long. Thời đại Hồ Chí Minh, quân đoàn ta cũng từ Tam Điệp xuất quân vào Nam, giải phóng Sài Gòn. Một ngẫu nhiên của lịch sử hay là một quy luật của lịch sử. Có lẽ cả hai đều nhằm đến một mục đích thiêng liêng: Thống nhất đất nước”, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp xúc động viết trong tham luận.

Truyền thống, kinh nghiệm đúc rút từ lửa đạn

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Quân đoàn 1 vừa củng cố thế đứng chân, thường xuyên huấn luyện, SSCĐ cao, vừa triển khai nhiệm vụ khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, Quân đoàn 1 lại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường cho các đơn vị chiến đấu phòng ngự thay phiên.

Trung tướng Đỗ Trung Dương phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Từ thực tiễn chiến đấu ác liệt, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 đã viết nên truyền thống “Thần tốc- Quyết thắng”. Theo Trung tướng Đỗ Trung Dương, Nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, từ chiến trường lửa đạn, Quân đoàn 1 đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, có giá trị lớn cho hôm nay và mai sau. Đó là những kinh nghiệm trong tiến hành hoạt động công tác Đảng- công tác chính trị, trong huấn luyện quân sự, cũng như trong huấn luyện hậu cần- kỹ thuật...

“Trong huấn luyện, cán bộ phải nghiên cứu thật sâu kỹ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, hình thức, phương pháp và chỉ tiêu cần đạt được để triển khai thực hiện; phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, từ xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, con người và tổ chức luyện tập chặt chẽ, thuần thục, sát thực tế chiến đấu... Trong công tác giáo dục chính trị phải thường xuyên thông báo tình hình, nhất là những tin thắng lợi của các đơn vị đang chiến đấu, để kịp thời cổ vũ, động viên bộ đội, biểu dương gương tốt, việc tốt; xây dựng đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; giáo dục cho bộ đội giữ bí mật quân sự, không để lộ, lọt thông tin, dấu vết...”, Trung tướng Đỗ Trung Dương nhấn mạnh.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Nhiều năm gắn bó với Quân đoàn 1, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị của quân đoàn lại có nhiều kỷ niệm về hành trình đơn vị vượt qua khó khăn trong giai đoạn 1975-1985, khi bộ đội xuất ngũ, phục viên với số lượng lớn; kinh tế-xã hội đất nước cũng như đời sống bộ đội hết sức khó khăn; chiến tranh xảy ra ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; quân đoàn và các đơn vị phải cơ động thực hiện nhiều nhiệm vụ... Theo Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, sở dĩ có thể vượt qua khó khăn chồng chất như vậy là bởi quân đoàn luôn coi huấn luyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, nhằm “xây dựng quân đoàn thành một binh đoàn chiến lược mạnh, cơ động, chính quy, hiện đại, tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn”. Cùng với công tác huấn luyện, nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu luôn được các tổ chức Đảng, các cấp chỉ huy và mọi cán bộ, chiến sĩ trong quân đoàn coi là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng hàng đầu, sẵn sàng nhận và tổ chức thực hiện tốt.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Trung Thướng phát biểu tham luận tại tọa đàm.

45 năm đã trôi qua, nhưng những ngày hành quân “thần tốc” vẫn như những thước phim sắc nét trong trí nhớ Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Trung Thướng, nguyên Phó chính ủy Trung đoàn 48, Sư đoàn 320: “Khi vừa chuyển từ huấn luyện sang lao động đắp đê sông Đáy tại Ninh Bình được 9 ngày, chúng tôi nhận được lệnh của Quân đoàn: Dừng lao động, bàn giao cho địa phương, nhận nhiệm vụ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngay sau đó, đơn vị nhanh chóng củng cố đội hình, hành quân suốt ngày đêm, hầu như chỉ dừng lúc ăn và tiếp nhiên liệu cho phương tiện hành quân... Sau khi đến vị trí tập kết, Sư đoàn 320 giao cho Trung đoàn 48 là đơn vị đánh thọc sâu vào Bộ Tổng tham mưu ngụy. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, ác liệt nhưng rất vẻ vang, cả đơn vị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Thường vụ và chỉ huy Trung đoàn 48 giao cho Đại đội 5 và Tiểu đoàn 2 của trung đoàn cắm cờ ở Bộ Tổng tham mưu ngụy. Đây là đơn vị đã chiến đấu kiên cường chốt giữ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972. Cả đơn vị đã hành quân thần tốc, táo bạo, thọc sâu, đánh đúng mục tiêu được phân công. Đúng 10 giờ 30 ngày 30-4-1975, lá cờ của quân giải phóng đã tung bay trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy...

Đồng chí Bùi Mai Hoa phát biểu tại tọa đàm.

Không chỉ dựa vào dân, cùng nhân dân chiến đấu, trong thời bình, mối đoàn kết quân-dân cũng luôn được cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 quan tâm vun đắp. Chia sẻ tại tọa đàm, đồng chí Bùi Mai Hoa, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình cho biết: Trong nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong công tác dân vận, hành quân dã ngoại, giao lưu, phối hợp, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn đóng quân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, ý nghĩa, đặc biệt là trong khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, cháy rừng... Những thành tựu mà Ninh Bình giành được trong những năm qua có sự hỗ trợ, giúp đỡ, đóng góp quan trọng của Quân đoàn 1...

Viết tiếp những trang vàng truyền thống

Cùng với bày tỏ niềm khâm phục, tự hào khi nghiên cứu lịch sử, truyền thống của Quân đoàn 1, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, để tiếp tục phát huy truyền thống, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của đơn vị cần được thường xuyên coi trọng và đổi mới, làm cho bộ đội thật sự tự hào về truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đoàn; luôn cảnh giác, nhận thức sâu sắc thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa” LLVT của các thế lực thù địch, phản động. Cùng với đó, quân đoàn cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, SSCĐ, sử dụng thành thạo vũ khí trang bị có trong biên chế và vũ khí trang bị mới, hiện đại; quyết đánh và đánh thắng địch trong chiến tranh thông thường và chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Để tiếp tục phát huy truyền thống “Thần tốc - Quyết thắng” và tiềm năng thế mạnh của Quân đoàn, theo Đại tá Phạm Quốc Hóa, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn, cần phải tiếp tục tăng cường đoàn kết nhất trí, tập trung mọi nỗ lực phấn đấu xây dựng quân đoàn ngày càng vững mạnh toàn diện theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, hết sức coi trọng chất lượng huấn luyện, nâng cao sức mạnh tổng hợp, xây dựng các đơn vị trong quân đoàn tiến bộ đồng đều, vững chắc; xây dựng mối đoàn kết gắn bó mật thiết với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương địa bàn đóng quân; thực hiện tốt chức năng của quân đoàn chủ lực, cơ động, dự bị chiến lược trong tình hình mới.

Đại tá Phạm Quốc Hóa phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Không khí của buổi tọa đàm như lắng lại trước câu chuyện về chị Trần Thị Bích, vợ của Thượng úy Đặng Đình Hào, Phó đại đội trưởng, thuộc Lữ đoàn 202 (Quân đoàn 1), hy sinh khi giúp địa phương phòng, chống lụt bão ở xã Gia Tường, huyện Nho Quan, Ninh Bình, tháng 11-2008. Người chồng thân yêu hy sinh là mất mát không gì bù đắp được, nhưng chị cũng như gia đình và đơn vị rất tự hào về anh; nhân dân, chính quyền địa phương vẫn nhớ về anh. Bản thân gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ, động viên của đơn vị, đồng đội, địa phương, nên chị đã luôn phấn đấu làm tròn trách nhiệm của người mẹ, người con dâu, xứng đáng với sự hy sinh của người thân.

Trong khi đó, đến với tọa đàm, Thiếu úy QNCN Lê Văn Hải, Nhân viên Nhà khách Sầm Sơn (Cục Hậu cần Quân đoàn 1) là ví dụ tiêu biểu cho tinh thần vượt khó để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của quân đoàn. Lê Văn Hải là con của liệt sĩ Lê Văn Dương (sinh năm 1959, hy sinh năm 1988 tại chiến trường Campuchia). Vợ anh là giáo viên hợp đồng. Kết hôn năm 2015, đến nay vợ chồng anh vẫn chưa có con. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng Lê Văn Hải luôn xác định không được ỷ lại vào chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, mà phải luôn phấn đấu rèn luyện để trưởng thành về mọi mặt, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha, anh, xứng đáng với truyền thống của quân đoàn.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Thiếu tướng Doãn Thái Đức và Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng trao quà tặng gia đình chị Trần Thị Bích và Thiếu úy QNCN Lê Văn Hải. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1 cũng có bài tham luận gửi tọa đàm. Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1 dù tuổi cao, sức yếu, sinh sống ở xa, nhưng cũng có những dòng thư tâm huyết gửi về Ban tổ chức tọa đàm. Ngoài ra, đến với cuộc tọa đàm ý nghĩa này, còn có tham luận của nhiều đại biểu, đại diện cho cán bộ các cấp của Quân đoàn 1, như các đồng chí: Đại tá Trương Mạnh Dũng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308; Đại tá Phạm Quang Hải, Chính ủy Sư đoàn 312; Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính ủy Lữ đoàn 299; Đại úy Đào Huy Cường, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312; Đại úy Nguyễn Phượng Dương, Chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308... Dù đang công tác ở những cương vị khác nhau, song điểm chung dễ nhận thấy ở những tất cả tham luận đều là niềm tự hào về truyền thống “Thần tốc- Quyết thắng” của quân đoàn, là khát khao cống hiến để xây dựng quân đoàn ngày càng vững mạnh, trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành cho; xứng đáng với tên gọi “Binh đoàn Quyết thắng”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận tọa đàm. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 1 khẳng định, sau một buổi sáng tổ chức, với sự tham gia tâm huyết, trách nhiệm, tích cực của các đại biểu, Tọa đàm “Binh đoàn Quyết thắng 45 năm “Thần tốc- Quyết thắng” đã thành công tốt đẹp. Ban tổ chức đã nhận được 22 tham luận gửi tới tọa đàm. Các tham luận đều khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng- nhân tố quyết định, vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự ra đời, xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành của quân đoàn.

Các tham luận cũng khẳng định sự ra đời của Quân đoàn 1 là yêu cầu tất yếu, khách quan trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Đảng, thể hiện nghệ thuật quân sự Việt Nam trong quá trình tổ chức, xây dựng LLVT và chỉ đạo chiến tranh; khẳng định sự phối hợp hiệu quả của quân đoàn với các đơn vị, địa phương trong huấn luyện và chiến đấu; đồng thời làm nổi bật tinh thần chiến đấu hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ quân đoàn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cùng với đó, tọa đàm cũng đã khẳng định tầm vóc, ý nghĩa to lớn, nguyên nhân thắng lợi, những bài học kinh nghiệm và nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam và việc vận dụng những bài học, kinh nghiệm đó trong tổ chức, xây dựng quân đoàn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Các ý kiến tại tọa đàm cũng khẳng định, để tiếp tục phát huy truyền thống “Thần tốc - Quyết thắng”, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đoàn phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Đảng, nhiệm vụ của cách mạng, quân đội; đặc biệt là nhận thức đúng, xác định rõ nhiệm vụ của quân đoàn trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, toàn quân đoàn phải bám sát thực tiễn, triển khai đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp huấn luyện, SSCĐ, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; coi trọng xây dựng nhân tố con người và nhân tố chính trị tinh thần... làm cơ sở để triển khai và thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Binh đoàn Quyết thắng anh hùng.

Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/viet-tiep-nhung-trang-vang-than-toc-quyet-thang-551691