Viết tri ân các chiến sĩ bảo vệ biên cương, hải đảo

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học có nhiều năm gắn bó với mảnh đất Tây Bắc, rồi miền biên viễn phía Tây của Thanh Hóa, Nghệ An... Bao chuyến đi thực tế làm báo đã cho anh những trải nghiệm quý giá và anh nhận ra rằng, đi đến đâu cũng nhận thấy sự hồn hậu, mộc mạc của người dân miền núi.

Nhà văn Nguyễn Văn Học (giữa) với các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa tháng 5- 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học có nhiều năm gắn bó với mảnh đất Tây Bắc, rồi miền biên viễn phía Tây của Thanh Hóa, Nghệ An... Bao chuyến đi thực tế làm báo đã cho anh những trải nghiệm quý giá và anh nhận ra rằng, đi đến đâu cũng nhận thấy sự hồn hậu, mộc mạc của người dân miền núi. Dù rằng cuộc sống của người dân còn nghèo, có vùng vẫn thiếu ăn, nhưng họ có khát vọng vươn lên. Có nơi, trưởng bản bảo với anh: “Không có đồng tiền nào vào đây con vẫn sống, mỗi hộ dân nuôi một bữa thì con có thể sống cả tháng”.

Yêu vùng cao, nhớ vùng cao trong cả những chuyến làm phóng sự ở miền xuôi, Nguyễn Văn Học bồi hồi: “Ở những nơi xa xôi, nơi con chim bay cũng mỏi cánh, vẫn có những người lính Biên phòng kiên trung bám đất, bám bản, bảo vệ bờ cõi đất nước, giúp dân xóa mù chữ, vươn lên thoát nghèo. Người lính Biên phòng như những cột mốc sống giữa đất trời thiêng liêng. Có những người thầy giáo quân hàm xanh được dân quý, dân yêu. Có người bám bản làng đến mấy chục năm, trở thành “già làng”, có uy tín của cả một khu vực. Nhiều vùng đất đã đổi thay vì có BĐBP. Thậm chí, có những người lính đã trở thành những tấm gương sáng trong xây dựng nông thôn vùng biên, xóa bỏ hủ tục, kiên quyết đấu tranh với tệ nạn ma túy”.

Gần đây, trong tập tạp bút “Mình ơi, anh cưới dòng sông nhé” (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Học đã dành nhiều bài viết trăn trở, suy tư với những dòng sông, con suối, tất nhiên có cả dòng sông, con suối ở vùng biên cương, trong đó, sông suối đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường. Anh đã viết về nơi “Con sông Hồng chảy vào đất Việt”, về sự kỳ vĩ của sông Mã chảy qua nhiều xã của tỉnh Sơn La và nhiều huyện ở tỉnh Thanh Hóa. Cũng trong tập tạp văn ấy, Nguyễn Văn Học đã truyền đi một thông điệp giản dị, sâu sắc về sự vĩ đại của người Mẹ thiên nhiên, về mối quan hệ không thể chia tách giữa tự nhiên - xã hội. Qua đó, nhắn nhủ với con người hãy học cách trân trọng và giữ gìn môi trường tự nhiên, bầu khí quyển để cộng sinh với tự nhiên thật hài hòa.

Vào tháng 5-2018, nhà văn Nguyễn Văn Học đã giành giải Đặc biệt trong cuộc thi sáng tác thơ về Trường Sa, với một chùm tác phẩm gồm hai bài thơ “Trước biển”, “Đảo xanh” và hai bài tùy bút. Nhờ quan sát, trải nghiệm, thu thập tốt tư liệu anh đã có các bài ghi chép cảm động, nghĩa tình như: “Tuổi 20 ở Trường Sa”, “Tình quân dân nơi đảo xa”, “Vì học sinh thân yêu”, “Chiến sĩ làm báo tường ở Trường Sa”... Ở cuộc thi này, dẫu không có phần thưởng về vật chất, nhưng anh đã nhận được bộ ảnh về cuộc sống của các chiến sĩ ở Trường Sa và có đóng dấu của các đảo. Đó là một kỉ vật vô giá mà nhà văn Nguyễn Văn Học luôn nâng niu, trân trọng. Được biết, đây là một cuộc thi dành cho các thành viên trên tàu, nhằm phát hiện những cây bút có niềm cảm hứng về biển đảo trong hải trình đầy tình mến thương, phát trên tàu để làm giàu thêm ý nghĩa của hải trình. Trước đó, vào mùa Xuân năm 2016, sau khi có chuyến ra quần đảo Trường Sa, anh đã có những bài thơ, tùy bút, ghi chép khá xúc động về các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên Nhà giàn DK1. Song, anh khiêm tốn chia sẻ, số lượng và chất lượng bài của anh chưa cao, bởi đã có nhiều người viết rất hay về những hải trình và đoạt giải cao trong nhiều cuộc thi viết khác.

Được biết, nhà văn Nguyễn Văn Học đã sở hữu hơn 20 cuốn sách và gặt hái được nhiều giải thưởng văn học, báo chí các thể loại về nhiều đề tài mang hơi thở của cuộc sống. Hiện, tập bản thảo trường ca về đề tài mở đường trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đang được anh hoàn thành. Với cuốn sách sắp ra đời này, anh muốn tri ân những con người thầm lặng đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Dự định sắp tới, nhà văn Nguyễn Văn Học vẫn sẽ viết về các con sông, các vùng biên giới, với lòng mến mộ các chiến sĩ, những người con đất nước, đang ngày đêm canh giữ đất trời biên cương. Song, nói chung, sức con người có hạn, anh muốn dành thời gian đi công tác nhiều hơn đến những vùng núi cao, vùng biên cương khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ. “Tôi đi chưa được nhiều. Nhiều bài viết còn non tay và mức độ thành công còn hạn chế. Nhưng tôi thật sự muốn có nhiều trải nghiệm. Nơi nào đặt chân đến, hẳn sẽ có những cảm xúc, kỷ niệm, để “chưng cất” nên những tác phẩm. Tôi nghĩ, khi yêu, chúng ta có thể làm được nhiều việc vượt xa khỏi sức mình” - Nhà văn Nguyễn Văn Học cho biết.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/viet-tri-an-cac-chien-si-bao-ve-bien-cuong-hai-dao/