Việt Tú: Cất cánh từ văn hóa dân tộc

Suốt từ khi khởi nghiệp đạo diễn đến nay, không lúc nào Việt Tú rời xa, buông bỏ văn hóa truyền thống Việt, dù được học và hành nghề trong lĩnh vực hiện đại nhất: nghề đạo diễn sân khấu giải trí và nghệ thuật đương đại.

Cơ duyên thành đạo diễn sân khấu thực cảnh tiền phong

Không tình cờ, những tác phẩm thơ, văn xuôi, báo chí, hội họa... của nhà văn Nguyễn Quang Thiều (sinh năm 1957) đều lấy gốc rễ từ làng Chùa, tỉnh Hà Đông, nơi Thiều sinh ra, lớn lên, thành người cầm bút. Hà Đông là miền quê lụa đặc hiệu của vùng văn hóa Bắc bộ, có làng Chùa, mà Nguyễn Quang Thiều đã chịu ơn mưa móc suốt một đời sáng tạo văn chương của mình.

Việt Tú, sinh sau Nguyễn Quang Thiều 20 năm (1977), là trường hợp tương đồng thú vị với Thiều về khởi nghiệp văn nghệ trên cùng một vùng văn hóa Bắc bộ, với tinh hoa nghệ thuật biểu diễn dân gian là nghệ thuật rối nước cổ truyền. Hành nghề đạo diễn sân khấu gần 20 năm, đi nhiều, trải nhiều, nghĩ nhiều, từ Học viện Âm nhạc quốc gia, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - khoa đạo diễn điện ảnh. Chuyên ngành đạo diễn sân khấu giải trí và nghệ thuật đương đại tại New York - Mỹ, Việt Tú là một trường hợp dấn thân đặc biệt vào nghề đạo diễn, trong sự chủ động thiết lập ý thức triết học - văn hóa trong nghệ thuật đạo diễn và tự tạo một ngôn ngữ nghề nghiệp riêng biệt. Việt Tú cũng là trường hợp hiếm hoi trong giới nghệ thuật tại Việt Nam có một hệ thống tác phẩm đa dạng, từ dân tộc đến đương đại, và biết cách hệ thống hóa các sáng tạo của mình trên một quy trình sản xuất bài bản, khoa học của nền giải trí hiện đại.

Theo Việt Tú, người nghệ sĩ muốn thành công và bước ra thế giới cần dựa vào văn hóa gốc nơi mình sinh ra, chính là văn hóa châu thổ sông Hồng, nơi sinh thành và hội tụ bản sắc của cả nền văn hóa Việt, cũng lại là vùng văn hóa gốc của ngôn ngữ đạo diễn mà Việt Tú khởi đi, để từ đó, cất cánh và thăng hoa các vở diễn mà Việt Tú đã dàn dựng trong suốt 20 năm qua. Nhất là vở sân khấu thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam, Thuở ấy xứ Đoài, và sau đó là Chùa Hương xưa và nay, liên tiếp ra mắt trong hai năm: 2017 và 2018.

Suốt từ khi khởi nghiệp đạo diễn đến nay, không lúc nào Việt Tú rời xa, buông bỏ văn hóa truyền thống Việt, dù được học và hành nghề trong lĩnh vực hiện đại nhất: nghề đạo diễn sân khấu giải trí và nghệ thuật đương đại. Chính Việt Tú đã tự thiết lập cho mình một triết học căn bản về nghề đạo diễn - giải trí và đương đại, đó là: đạo diễn phải chắc chắn là người đến hiện đại và đương đại, từ văn hóa truyền thống. Và truyền thống phải là văn hóa dân tộc, hiển thị đậm đặc chất folklore trong sân khấu dân gian Việt, đích thực là nghệ thuật của nông dân, như Cụ Hồ khẳng định: “Dân tộc ta là một dân tộc nông dân”.

Và Đào Duy Anh, trong sách Việt Nam văn hóa sử cương, NXB Quan Hải Tùng Thư - Huế, từ năm 1938, đã cho rằng dân tộc Việt Nam tất phải có “sinh khí mạnh mẽ lắm” mới có thể lập quốc, trong tiến trình văn hóa vài ngàn năm, trên một mảnh đất nghiệt ngã, khắc nghiệt về khí hậu.

Không ngẫu nhiên, Việt Tú tìm thấy ý tưởng dàn dựng sân khấu thực cảnh trúng và đúng vào vùng đất có phong cảnh đẹp bậc nhất châu thổ Bắc bộ. Đó là miền Thạch Thất, Sơn Tây, vốn là nơi sinh trưởng của NSND chèo Tào Mạt và thi sĩ danh giá Quang Dũng. Nơi ấy có dòng Tích Giang xuôi chảy êm đềm, có cụm chùa cổ đẹp nổi tiếng danh lam thắng cảnh: chùa Thầy, chùa Tây Sơn, với ngọn núi Sài Sơn uy nghi cổ kính, chiều chiều sáng rực trong mây hoàng hôn.

Cảnh trong vở diễn Thuở ấy xứ Đoài

Có thể chắc rằng, khi “phải lòng” cái vùng đất lộng lẫy hào hoa ấy để dàn dựng sân khấu thực cảnh, những câu thơ xao động của Quang Dũng đã khôn nguôi ám ảnh Việt Tú: Bao giờ trở lại đồng Bương, Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Đất đá ong khô nhiều suối lệ/ Em có bao giờ lệ chứa chan?... Dường như những câu thơ ấy đã dẫn dụ tâm linh, đưa đường chỉ lối cho đạo diễn Việt Tú đến thẳng nơi thiêng: chùa Thầy trên núi Sài Sơn, nơi lưu giữ duy nhất một khung cảnh mỹ học căn cơ của rối nước cổ truyền: ngôi thủy đình an tọa hàng vài trăm năm, trên mặt nước ao, ngay chân núi Sài Sơn. Tôi từng lên núi vãng cảnh chùa Thầy, thưởng ngoạn cảnh thiền yên tĩnh tịch liêu và thầm nhớ câu thơ trong vắt của thi sĩ nào từng viết: Giữa trưa gãy rắc cành hoa đại. Từ trên núi nhìn xuống thủy đình chân núi, thấy khung cảnh Sài Sơn xiết bao cổ kính và thơ mộng...

Sự khác lạ trong ngôn ngữ thực cảnh của đạo diễn Việt Tú

Theo ngôn ngữ dẫn chuyện độc đáo của Việt Tú, ngược về xứ Đoài thuở xưa, phải xuyên qua nhiều cảnh tượng ngoạn mục của trình diễn sân khấu thực cảnh, qua một chuỗi trò diễn, phóng chiếu từ 16 trò diễn cổ, vốn là chuỗi chương trình nguyên bản của rối nước Việt, bao giờ cũng mở đầu bằng màn giáo trò của nhân vật Chú Tễu (như người dẫn chương trình của sân khấu hôm nay).

Và toàn bộ không gian trình diễn, không gian kiến trúc, và phối cảnh mỹ thuật sân khấu cho Thuở ấy xứ Đoài đã được Việt Tú khéo dàn dựng trên cảnh sắc thiên nhiên lộng lẫy có thật, kết hợp với phục dựng nguyên bản tỷ lệ 1/1, với chính những nông dân tham gia diễn xuất trong vở diễn, bằng chính sinh hoạt văn hóa dân gian của mình, ngay trong vùng đất Sài Sơn hôm nay.

Tháng 6.2017, sân khấu thực cảnh kể chuyện xứ Đoài xa xưa ấy của Việt Tú đã lộng lẫy trình diễn trên một mặt hồ rộng, khoảng 4.300m2, cách không xa mặt hồ chứa thủy đình cổ truyền, ở chân núi chùa Thầy (đây là cử chỉ tế nhị đáng khen của Việt Tú, không muốn “đụng chạm” vào di sản văn hóa). Nhân vật kể chuyện xứ Đoài được Tú lựa chọn từ làng Sài Sơn, gồm 140 nông dân bản địa. Người thực nơi bản địa, lại diễn xuất hồn nhiên, trong sự nhào nặn khéo léo từ bàn tay rành nghề và con mắt tinh tường của đạo diễn Việt Tú, đã xâu chuỗi sinh động các sinh hoạt văn hóa nông nghiệp xa xưa của châu thổ Bắc bộ, làm nên thần thái thực cảnh độc đáo của Thuở ấy xứ Đoài. Trên mặt hồ nước rộng lớn, vở diễn cứ trôi chảy sống động từ cảnh này đến cảnh khác, trong ánh sáng kỳ diệu và rực rỡ phản chiếu trên mặt nước, thật lung linh sắc màu huyền thoại.

Cách dựng đắc địa này của Việt Tú, đã mô phỏng duyên dáng cách kể chuyện của rối nước cổ truyền, hòa hợp với cách xâu chuỗi các trò diễn liên tục trong tiết tấu nhanh, trong xử lý ánh sáng hiện đại, trên mặt nước chuyển động và đổi sắc không ngừng, đã khiến công chúng Việt và công chúng nước ngoài du lịch Việt Nam, thật mãn nhãn. Sự kết hợp ăn ý giữa vẻ đẹp dân gian của nghệ thuật kể chuyện truyền thống và nghệ thuật kể chuyện đương đại của Việt Tú trong vở diễn thực cảnh Thuở ấy xứ Đoài, có thể còn làm công chúng nước ngoài mãn nhãn hơn năm 1984, khi lần đầu rối nước Việt xuất hiện huy hoàng trước công chúng phương Tây. Sinh ra trong một gia đình có mẹ là diễn viên gạo cội của nhà hát múa rối nước, như một lẽ tự nhiên đã thúc đẩy Việt Tú sáng tạo Thuở ấy xứ Đoài với nhiều cảnh tượng bắt mắt trên sân khấu nước, diễn tả sinh hoạt nông nghiệp của châu thổ xứ Đoài theo một ngôn ngữ đạo diễn khác lạ, từ Tễu giáo trò, Đám rước Trạng, Trẻ con hát đồng dao, cảnh Tát nước, Hội làng, Rồng phun lửa, Chim loan phượng... đặc biệt là cảnh Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh hiển linh...

Đặc biệt, Việt Tú là đạo diễn duy nhất và đầu tiên xử lý nhà thủy đình chuyển động, từ dưới nước ngoi lên mặt nước, hiển hiện trước người xem, lộng lẫy huy hoàng, khiến người xem choáng ngợp về thẩm mỹ - thực cảnh, trong một niềm hân hoan thán phục. Bởi từ ngàn năm trước, nhà thủy đình vốn được dân gian mặc định chỉ đứng yên, che giấu toàn bộ những người nông dân đứng ngập nửa mình trong nước, khuất sau thủy đình, điều khiển bằng que sào vài trăm con rối chuyển động nhịp nhàng. Và mỗi phường rối nước lại có bí truyền riêng trong điều khiển con rối và bí truyền trong khuôn khổ gia đình, không cho phép con gái mang theo khi làm dâu nhà người...

Cho thủy đình chuyển động và sử dụng người nông dân biểu diễn trên một mặt nước của không gian làng quê Bắc bộ, sáng tạo không gian biểu diễn ba chiều, “nhốt kín” khán giả vào trong một bầu không khí ngập tràn cảm xúc, chính là sáng tạo nổi bật, sáng láng nhất trong kiến trúc không gian biểu diễn, mang đặc trưng ngôn ngữ dàn cảnh khác lạ của riêng Việt Tú, khi dàn dựng sân khấu thực cảnh Thuở ấy xứ Đoài. Là người thưởng ngoạn, tôi xót xa khi những xử lý căn cơ ấy về ngôn ngữ đạo diễn của duy nhất Việt Tú đã bị lặp lại cố tình trong vở diễn Tinh hoa Bắc bộ của một đạo diễn trẻ khác, nghiễm nhiên coi đó là sáng tạo độc lập, thật phi lý vô cùng!

Cảnh trong vở diễn Chùa Hương xưa và nay

Vở diễn thực cảnh thứ hai Chùa Hương xưa và nay, Việt Tú dàn dựng tháng 9.2018, trong phối cảnh sơn thủy hữu tình của chùa Hương, với sân khấu và khán đài nổi trên mặt suối Yến, có diện tích 1.800m2. Ngôn ngữ dàn dựng vở thứ hai này của Việt Tú, đã đạt tới cảnh giới của khái niệm sân khấu thực cảnh. Thiên nhiên được để trần nguyên thủy, trong vắt, không tì vết của can thiệp trang sức. 112 con đò mộc mạc của người dân bản địa vùng kỳ sơn thủy tú Hương Sơn đã được Việt Tú đưa thẳng từ đời thường vào sân khấu suối Yến, đẹp lung linh hơn cả một giấc mộng vàng. Kỹ nghệ hiện đại chiếu sáng sân khấu được Việt Tú điều khiển chiếu thẳng vào nền quả núi hình ảnh đức Phật hiển linh, như được bao bọc trong ánh hào quang, khiến những khán giả có duyên thưởng ngoạn vô cùng mãn nhãn. Đây đích thực là một vở diễn thực cảnh toàn phần thiên nhiên. Và cũng chính là câu trả lời rõ ràng và thuyết phục nhất cho những ai còn nghi ngờ về Thuở ấy xứ Đoài...

Cảnh trong vở diễn Tứ Phủ

Vĩ thanh

Hẳn nào, Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì chùa Hương, đã chân thành nói về nhân duyên gặp gỡ Việt Tú, khi cùng mơ ước dựng sân khấu thực cảnh cho chùa Hương: “Trong nhiều năm trụ trì tại đây, tôi đã mong muốn một ngày nào đó biến nơi đây thành một sân khấu tự nhiên, trình diễn những ý tưởng nghệ thuật ca ngợi Phật pháp nhiệm mầu cũng như cảnh sắc, con người địa phương. Khái niệm “thực cảnh” cũng từ đó mà dần trở thành tên của một hình thức biểu diễn như bây giờ. Thực hoan hỉ, khi trải qua nhiều năm ấp ủ, chỉ đạo thực hiện, cộng với việc tìm tòi của đệ tử nhà chùa là đạo diễn Phật tử Việt Tú, nhân duyên đã thành vào đúng dịp cụm danh thắng chùa Hương nhận được danh hiệu di sản quốc gia đặc biệt do Chính phủ trao tặng”.

Những tưởng, không lời nào đích đáng hơn lời khen của Thượng tọa Thích Minh Hiền, dành cho ngôn ngữ sân khấu thực cảnh thật độc đáo về văn hóa Việt của Việt Tú đạo diễn!

PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái - Ảnh: Viet Theatre

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/viet-tu-cat-canh-tu-van-hoa-dan-toc-17206.html